40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:

Binh chủng đặc biệt- Kỳ 1: Thông tin nhanh hơn B52

LTS: Có thể nói, thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mùa đông năm 1972 là thắng lợi của sức mạnh toàn dân, mà trong đó không thể không nhắc đến sự góp sức của một binh chủng đặc biệt, đó là các phóng viên với tay bút, tay máy - những chiến sĩ trên mặt trận thông tin.


Trong những ngày tháng ấy, những phóng viên, biên tập viên trẻ thực hiện các bản Tin nhanh và Tham khảo đặc biệt của TTXVN đã biên dịch nhiều thông tin liên quan đến các chuyến xuất kích của máy bay B52 từ căn cứ không quân của Mỹ nhằm đánh phá Hà Nội, cung cấp kịp thời cho Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh để chỉ huy quân đội chủ động đối phó. Nhiều thông tin đã được gửi đi chỉ chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau khi các tốp máy bay B52 rời căn cứ…


Cũng trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội, nhiều phóng viên TTXVN đã có mặt kịp thời tại những nơi còn khét lẹt khói bom, phản ánh đầy đủ cuộc chiến đấu gan dạ, anh hùng của quân dân thủ đô. Những tin, bài, ảnh ấy cũng được cung cấp kịp thời cho phái đoàn đàm phán của ta tại Pari, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, góp phần vào thắng lợi trên bàn đám phán.


Báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về những hoạt động này của phóng viên TTXVN trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

 

Kỳ 1: Thông tin nhanh hơn B52


Mới đó mà đã 40 năm. Hồi ấy tôi thuộc nhóm mấy anh em biên tập viên trẻ TTXVN chuyên biên dịch và biên tập những tin bài về âm mưu của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam để đưa vào các bản Tin nhanh và Tham khảo đặc biệt, cung cấp mỗi ngày vài lần cho Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh.


 

Phân xã Việt Nam Thông tấn xã lập tại Sài Gòn ngay sau ngày ký Hiệp định Pari (27/1/1973). Trong ảnh: Người đứng đọc tin là tác giả Nguyễn Như Kim.

 

Trong hơn một chục năm làm công việc đó, tôi nhớ có hai lần Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh góp ý trực tiếp cho bản Tin nhanh về việc dịch thuật chưa chuẩn xác, còn phần lớn là được nhận xét tốt, đặc biệt là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen trong việc biên tập nhanh các tin có liên quan tới các chuyến xuất kích của máy bay B52 từ Guam và các căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Lan sang đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trong mùa đông 1972. Chỉ chưa đầy hai giờ sau khi các tốp máy bay đó rời căn cứ không quân là chúng tôi đã biên dịch hoặc biên tập xong để gửi lên các địa chỉ đặc biệt ở Trung ương trước khi máy bay địch xuất hiện để ta kịp thời và chủ động đối phó. Vậy là thông tin của chúng tôi đã nhanh hơn B52.


Từ đầu tháng 10/1972, nhiều tin tức từ bàn đàm phán tại Pari giữa ta và Mỹ cho thấy Mỹ lật lọng, không chịu ký tắt Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận. Mỹ đã đòi sửa lại hàng chục chỗ trong hiệp định này với thái độ rất ngang ngược. Trong các cuộc họp bí mật giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, ta đã nhân nhượng sửa một đôi chỗ và nói rằng đó là những nhân nhượng cuối cùng. Phía Mỹ cố tình kéo dài tình trạng này nhằm chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nixon thắng cử rồi trở mặt mở chiến dịch đánh bom tàn bạo Hà Nội và các thành phố khác bằng B52.


Chiều 18/12/1972, đồng chí Lê Đức Thọ về đến Hà Nội để báo cáo Trung ương về sự lật lọng của Mỹ và bàn phương sách đối phó, thì ngay đêm hôm đó Mỹ mở màn chiến dịch Linebacker 2.


Khoảng 7giờ 30 tối hôm đó tôi cùng mấy anh em trực tin tối, đang theo dõi tin của các hãng AP, UPI, Reuters, AFP… để biên dịch tin nhanh như thường lệ thì nhận được tin khẩn của hai hãng thông tấn Mỹ từ Guam cho biết có nhiều tốp máy bay B52 rời sân bay Guam bay về phía Việt Nam. Chúng tôi báo cáo Tổng Biên tập TTXVN và nhanh chóng dịch nguyên văn mấy tin này rồi một chị đánh máy giỏi được điều động tới chỗ chúng tôi để gõ máy chữ, mỗi táp 7 bản (hồi đó dùng giấy than để đánh máy nhiều bản) nhằm kịp đưa cho liên lạc chạy xe có cắm cờ hỏa tốc, chạy lên các địa chỉ như: Văn phòng Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng, Bộ Tổng Tham mưu…


Từ đó cho đến 10 giờ đêm chúng tôi còn dịch thêm vài tin máy bay B52 xuất phát tiếp từ Guam và căn cứ Corat ở Thái Lan bay tới miền Bắc nước ta. Và khi hệ thống báo động của Thủ đô báo tin máy bay B52 Mỹ đang đánh phá ở ngoại vi Hà Nội, chúng tôi được lệnh xuống hầm trú ẩn làm việc để bảo đảm an toàn người và phương tiện thu tin.


Sau 10 giờ đêm, các tin tức nói về các B52 đầu tiên bị bắn rơi trong chiến dịch Linebacker 2 được phát đi. Bộ Biên tập TTXVN cũng báo tin mừng đêm đầu tiên ta đã bắn rơi 3 máy bay B52, trong đó có chiếc rơi ở Đông Anh và cử một nhóm phóng viên sang đó để làm tin và hy vọng chụp được ảnh và phỏng vấn tên giặc trời vừa bị bắn hạ ở ngoại thành Hà Nội để công bố cho toàn thế giới biết.


Ngày 19/12/1972, địch cho nhiều loạt máy bay phản lực tiêm kích bay tới Hà Nội, Hải Phòng để săn tìm và tiêu diệt các đơn vị tên lửa và cao xạ của ta. Chúng ta vẫn kiên cường đánh trả địch và lại bắn rơi nhiều máy bay nữa. Ngày hôm đó cơ quan tiếp tục cho sơ tán thêm một số chị em nữ và gia đình lên Quốc Oai (Hà Tây cũ). Tối hôm đó cơ quan chỉ còn hơn chục người trực tin các loại, số còn lại xuống một hầm lớn khác trong khu vực cơ quan để tránh thương vong.


Khoảng hơn 7 giờ tối, chúng tôi lại nhận được những tin của phóng viên Mỹ cho biết các tốp B52 lại rời Guam đi Việt Nam. Và khoảng 10 giờ đêm, sau những tiếng ầm ì từ trên cao vọng xuống là những ánh chớp của tên lửa và pháo cao xạ các cỡ của ta đồng loạt bắn lên. Tiếng phát thanh viên báo tin những nơi địch đang đánh phá và những tin vui tên lửa ta hạ nhiều B52 ngay trên bầu trời thủ đô. Đất trời rung chuyển, lửa cháy ngùn ngụt, một vài người trong chúng tôi còn lẻn ra bờ đê sông Hồng ở trước Bệnh viện Hữu Nghị, nấp trong các hầm cá nhân nhìn sang phía sân bay Gia Lâm, khu kho xăng dầu Đức Giang, cầu Đuống… chứng kiến nhiều loạt bom B52 rải xuống các khu vực này. Rồi những trận ném bom xuống sân bay Bạch Mai và các khu dân cư xung quanh.

 

Cuộc chiến đấu cứ tiếp diễn như vậy, đêm nào chúng tôi cũng báo tin cho Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trước hai tiếng đồng hồ, có đêm báo trước tới gần 5 tiếng đồng hồ để chỉ huy quân đội sẵn sàng tác chiến và giáng cho địch những đòn tổn thất nặng nề.


Các đêm tiếp theo, như đã thành thói quen, chúng tôi tiếp tục biên tập các tin máy bay B52 xuất kích. Có lần Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng đã khen ngợi chúng tôi báo tin sớm giúp ông chỉ đạo các đơn vị phòng không sẵn sàng chiến đấu. Và chiến công nối tiếp chiến công, sau 12 ngày đêm chúng ta đã làm nên một Điện Biên Phủ rực lửa ngay trên bầu trời Hà Nội, một chiến công lừng lẫy của thế kỷ 20, một chiến công làm nức lòng nhân loại tiến bộ với việc bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc cánh cụp cánh xòe (F.111), bắt sống 43 phi công Mỹ.


Tổn thất lớn lao khiến Mỹ không thể tiếp tục chiến dịch Linebacker 2 nữa và chấp nhận gặp lại phái đoàn ta tại Pari trong cuộc gặp bí mật sau đó mươi ngày. Lần gặp đó Cố vấn Lê Đức Thọ đã mang theo một mảnh xác máy bay B52 tặng Kissinger ngay khi mở đầu cuộc họp để cảnh cáo ông ta. Và chỉ sau một hai phiên họp, Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết vào ngày 27/1/1973, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương.

 


Nguyễn Như Kim

 

Kỳ cuối: “Cần ngay tin, ảnh tố cáo tội ác Mỹ đánh bom B52 vào thủ đô”

Binh chủng đặc biệt - kỳ cuối: “Cần ngay tin, ảnh tố cáo tội ác Mỹ”
Binh chủng đặc biệt - kỳ cuối: “Cần ngay tin, ảnh tố cáo tội ác Mỹ”

Thời điểm cuối năm 1972, tôi làm Trưởng Tiểu ban tin ảnh công thương. Lúc này Ban biên tập tin và Ban biên tập ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Thông tấn xã) sáp nhập làm một. Ảnh lúc đó có các anh Đinh Quang Thành, Minh Lộc, Vũ Hanh, Minh Đạo…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN