Biện pháp giảm tải bệnh viện - Không nên dàn trải

Quá tải tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang trở thành “căn bệnh nan y” của ngành y tế. Để điều trị căn bệnh này, ngành y tế đã đưa ra nhiều biện pháp: Thực hiện đề án 1816, xây dựng bệnh viện vệ tinh ở các tuyến dưới... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện cùng lúc những giải pháp này thì sẽ rất khó giải bài toán quá tải.

 

Biện pháp giảm tải


Trong suốt thời gian dài, các bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện chuyên khoa của TP Hồ Chí Minh cùng rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Trong khi các bệnh viện tuyến quận huyện, tuyến tỉnh lượng bệnh nhân tới khám và điều trị rất thưa thớt, công suất sử dụng giường bệnh chỉ dưới 50% thì tại các bệnh viện chuyên khoa ở thành phố như: Ung Bướu, Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Chấn thương chỉnh hình..., bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 - 3 người/giường, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 140 - 160%, thậm chí có những thời điểm lên tới 200%. Tình trạng bệnh nhân nằm ngoài hành lang, dưới gầm giường cũng diễn ra khá phổ biến ở các bệnh viện lớn.


 

Thiếu kinh phí, nguồn nhân lực nên các bệnh viện khá vất vả thực hiện các đề án giảm tải.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận: Chưa một quốc gia nào mà tình trạng bệnh viện quá tải trầm trọng như ở nước ta. Tình trạng quá tải bệnh viện sẽ dẫn đến môi trường y tế dễ bị nhiễm khuẩn và là nguy cơ xuất hiện nhiều mầm bệnh. Không những thế, quá tải còn làm giảm chất lượng khám chữa bệnh và điều trị.


Theo Bộ Y tế, nguyên nhân quá tải là do tình trạng xuống cấp của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới; tâm lý chọn dịch vụ khám chữa bệnh của người dân; người bệnh có quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh nên nhiều người đến thẳng các bệnh viện lớn, không tuân thủ tuyến điều trị và hệ thống chuyển viện...


Trước tình trạng trên, ngành y tế đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên như: tăng cường ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa để các bệnh viện đầu tư thêm giường bệnh, mở rộng quy mô bệnh viện, tăng điều trị ngoại trú, giảm ngày điều trị nội trú hợp lý, tăng số phòng khám bệnh, tăng ca, tăng giờ làm... Đồng thời, các bệnh viện còn thực hiện các đề án theo yêu cầu của Bộ Y tế như: Đề án 1816 được thực hiện từ năm 2008 đến nay, hay xây dựng bệnh viện vệ tinh. Những giải pháp trên bước đầu cũng tạo được một số hiệu quả nhất định như giảm được một phần nhỏ tình trạng người dân vượt tuyến, cơ sở vật chất và tay nghề của đội ngũ bác sĩ bệnh viện tuyến dưới dần được nâng cao, các bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện được nhiều ca khó... Tuy nhiên, các đề án này cũng gặp không ít khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện...


Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Bên cạnh những hiệu quả đạt được, Đề án 1816 bộc lộ nhiều điểm hạn chế như: Phạm vi thực hiện đề án rộng, nhiều bệnh viện cử cán bộ về tuyến dưới hỗ trợ theo quy định đề án nhưng kém hiệu quả vì không phải bệnh viện tuyến dưới nào cũng có cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực đủ trình độ để có thể tiếp nhận các chuyển giao kỹ thuật.


Đại điện Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Cán bộ tuyến trên được đưa về tuyến dưới là nhằm giúp đỡ các tuyến dưới nâng cao tay nghề và học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, ở tuyến dưới thiếu nguồn nhân lực do đó các bác sỹ tuyến trên phải trực tiếp làm thì khó có sự trao đổi và học tập, đây cũng là khó khăn lớn trong việc thực hiện đề án có hiệu quả.


Thiếu kinh phí, nhân lực


Hai đề án được xem là chủ chốt trong việc thực hiện giảm tải là xây dựng bệnh viện vệ tinh và đề án 1816 với cùng một mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Theo đó, với đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện đã dự trù một nguồn kinh phí khá lớn như: Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh dự kiến lập khoa vệ tinh và bệnh viện vệ tinh ở 4 bệnh viện tỉnh, tổng kinh phí thực hiện khoảng 300 tỉ đồng. Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng dự kiến thành lập bệnh viện vệ tinh tại 3 bệnh viện tỉnh với tổng kinh phí khoảng 450 tỉ đồng, BV Chợ Rẫy dự trù kinh phí 120 tỉ đồng... Dự toán kinh phí của các bệnh viện đưa ra phần lớn là chi cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị bổ sung tại các bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện đề án này sẽ từ ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Y tế và địa phương ngoài ngân sách chi thường xuyên, cùng với vốn đối ứng từ các bệnh viện địa phương. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện cho đề án 1816 cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ.


Nhiều ý kiến cho rằng: Về cơ bản, các chương trình chỉ đạo tuyến, 1816 và bệnh viện vệ tinh thực hiện tương đồng nhau, cũng hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực y tế tuyến dưới... Do đó, không nên triển khai đồng loạt nhiều chương trình mà nên đánh giá lại hiệu quả của từng chương trình, trên cơ sở đó loại bỏ những bất cập, kết hợp thành một chương trình, tránh hiện tượng chồng chéo, dàn trải, hao tốn nhân lực, tài lực mà kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận: Tại TP Hồ Chí Minh đội ngũ cán bộ y tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của các bệnh viện nhưng phải tham gia nhiều đề án trong thời gian dài là rất khó khăn.


Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng cho rằng: Khó mà thực hiện các đề án cùng một lúc bởi nguồn ngân sách khó đáp ứng được trong khi Bộ Y tế chỉ hỗ trợ chi phí cho công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật (chi phí không lớn), các địa phương cũng khó đáp ứng được số vốn này vì còn phải lo rất nhiều việc... Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn thu ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương cũng giảm sút, rất khó có thể đáp ứng một số vốn quá lớn cho đề án.

 

Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN