Bệnh liên cầu lợn có xu hướng tăng từ tháng 4 đến tháng 7

Vài năm gần đây, bệnh liên cầu lợn có xu hướng ngày còn gia tăng và trở thành một mối lo ngại chung cho cộng đồng. Vậy người dân có thể tự phòng bệnh liên cầu lợn bằng cách nào? PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trao đổi với PV báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.


Đề nghị ông cho biết về thực trạng diễn biến bệnh liên cầu lợn tại Việt Nam?

Bệnh liên cầu lợn trên người do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Đây là một bệnh lây nhiễm từ động vật (lợn) sang người, bệnh dễ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong còn khá cao. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh mới, năm 1960 thế giới đã ghi nhận những ca bệnh này.

Các yếu tố dịch tễ của các bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn (trong 7 ngày trước khi khởi phát), miền Bắc, 2010.


Tại Việt Nam, bệnh liên cầu lợn được phát hiện chính thức năm 1998 với số lượng ca bệnh là 1-3 ca/năm. Từ 2005, số ca nhiễm liên cầu lợn bắt đầu tăng, chỉ riêng trong 2 năm 2005- 2006 có đến 72 trường hợp nhập viện. Năm 2010, Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp bệnh liên cầu lợn ở người. Do đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tiến hành một đề tài nghiên cứu về “Một số đặc điểm dịch tễ học bệnh liên cầu lợn ở người, miền Bắc Việt Nam, 2010”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, năm 2010, miền Bắc đã ghi nhận tổng số 55 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người, tử vong 7 trường hợp, tương đương 12,73%. Các trường hợp bệnh xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, tuy nhiên các ca mắc có xu hướng tăng vào các tháng 4 - 7; trong đó số mắc cao nhất được ghi nhận vào tháng 5 với 14 trường hợp. Bệnh xảy ra tập trung ở một số nhóm nghề nghiệp liên quan đến lợn và các sản phẩm từ lợn, tương đương 67,4%, cụ thể là: Làm nông nghiệp có kết hợp chăn nuôi lợn, chiếm tỷ lệ cao nhất (34,8%); giết mổ lợn, bán lòng lợn tiết canh (18,6%); buôn bán lợn hơi (11,6%); người lao động tự do (13,95%)...

Đặc biệt, điều tra cũng cho thấy khoảng 80% bệnh nhân có liên quan đến việc chăm sóc lợn ốm, giết mổ hoặc ăn, uống các sản phẩm từ lợn ốm như tiết canh, thịt, nội tạng lợn nấu không kỹ trong thời gian 7 ngày trước khi khởi phát bệnh. Trong đó, bệnh nhân có tiền sử ăn thịt lợn tái, tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%), tiếp theo là ăn thịt lợn ốm, chết (6,25%); chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm (6,25%); giết mổ lợn (6,25%). Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái, tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp).

Đây có phải là một bệnh dịch nguy hiểm chỉ đứng sau cúm A/H5N1 không, thưa ông?

Xét về mức độ nặng trầm trọng và tỷ lệ tử vong thì bệnh liên cầu lợn không nguy hiểm bằng nhiễm cúm A/H5N1: Tỷ lệ tử vong ở cúm A/H5N1 là khoảng 50% nhưng theo điều tra năm 2010 thì ở bệnh liên cầu lợn là 12%. Bệnh liên cầu lợn là bệnh điều trị được nếu phát hiện sớm nhưng ở bệnh nhân cúm A/H5N1 thì công tác điều trị rất khó khăn.

Tuy nhiên, liên cầu lợn cũng là một bệnh nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao (12%), trong khi tỷ lệ tử vong do bệnh Sars ở Việt Nam là 8%. Bên cạnh đó, mức độ lây nhiễm của bệnh liên cầu lợn cũng có khả năng cao hơn so với cúm A/H5N1. Thực tế, có khoảng 50 - 60% lợn lành mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện lâm sàng. Vì vậy, chúng rất dễ truyền vi khuẩn sang người bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn hoặc ăn các thực phẩm từ lợn bị nhiễm vi khuẩn không được nấu chín (tiết canh, lòng lợn nhiễm vi khuẩn trong quá trình chế biến...). Người dân cũng có thể mắc bệnh do hít phải những hạt nước bọt hoặc các hạt khí dung có chứa vi khuẩn bắn ra từ động vật nhiễm bệnh.

Để tránh lây nhiễm căn bệnh này, người dân cần làm gì? Ngành y tế sẽ làm gì để chủ động giám sát, nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh?

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào nhóm người có hành vi nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với lợn như người chăn nuôi, giết mổ lợn, sử dụng chế phẩm từ lợn như tiết canh, lòng lợn (qua chế biến). Chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các tỉnh tăng cường giám sát các ca bệnh, phối hợp chặt với hệ điều trị để phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời.

Để phòng bệnh, người dân nên tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; không tiếp xúc với sản phẩm từ lợn còn sống khi tay có vết xây xước, trừ khi mang găng bảo vệ.

Người chăn nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Không giết mổ lợn bị bệnh. Không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác và phải xử lý lợn bị bệnh chết triệt để, tránh gây nhiễm ra môi trường và cộng đồng; mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ...); nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn...

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên thực hiện

Bệnh viêm cầu lợn lại hoành hành
Bệnh viêm cầu lợn lại hoành hành

Bệnh liên cầu lợn ở người là một bệnh lây truyền từ động vật sang người và rất nguy hiểm, có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thậm chí có thể tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN