Bắt buộc sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) là để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân tham gia BHYT. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.

 

 

Xin ông cho biết dự thảo Luật BHYT có những điểm gì mới?


Dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất 3 điểm.


Thứ nhất là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trước đây, chúng ta chỉ quy định các đối tượng có trách nhiệm tham gia bảo hiểm. Dự thảo luật mới đã đặt vấn đề khác đi, khẳng định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc. Như vậy, từ chỗ yêu cầu có trách nhiệm tham gia, tới việc bắt buộc tham gia đã nâng quy định lên rất nhiều.


Điểm chú ý thứ hai là về nhóm tham gia bảo hiểm y tế. Trước đây, trong Luật BHYT phân thành 25 nhóm đối tượng. Trong dự thảo luật mới chỉ chia thành 5 nhóm gồm: Nhóm thứ nhất là do người sử dụng lao động và người lao động tự đóng; nhóm thứ hai là được ngân sách Nhà nước mua bảo hiểm; nhóm thứ ba là do bảo hiểm xã hội mua; nhóm thứ tư là nhóm được Nhà nước hỗ trợ một phần và nhóm cuối cùng là người tham gia BHYT tự bỏ tiền ra để đóng bảo hiểm. Như vậy, việc phân chia lại các nhóm gọn gàng và rõ ràng đối tượng hơn.


Điểm chú ý thứ ba là sự phân cấp, trong dự thảo luật đã phân cấp nhiều hơn, mạnh hơn cho chính quyền địa phương. Trước đây, UBND các tỉnh, thành phố hoặc các quận tham gia vào quản lý Nhà nước đối với BHYT theo quy định của pháp luật còn chung chung. Tới đây, trong dự thảo luật có nội dung theo hướng quy định rõ hơn và phân cấp nhiều hơn cho các chính quyền địa phương.



Trong năm nhóm đối tượng bắt buộc của BHYT, thì nhóm thứ năm là khó thực hiện nhất, làm thể nào để nhóm này tự nguyện tham gia, thưa ông?


Việc bắt buộc ở đây không có nghĩa là người dân bắt buộc phải nộp một khoản tiền, ý nghĩa của chữ bắt buộc là phải sử dụng các dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, từ đó góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho cả xã hội, cộng đồng. Ý nghĩa và sự nhân văn ở chỗ đó.


Chúng ta phải hiểu là bắt buộc ở đây là bắt buộc sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho nên cũng có độ mềm mại. Không phải bắt buộc là phải cưỡng chế hay áp đặt việc người dân tham gia BHYT, mà biện pháp chính là tuyên truyền, nâng cao nhận thức và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, để người dân thấy rằng, tham gia BHYT là hoàn toàn cần thiết.



Ông đánh giá thế nào về tác động của luật đến chất lượng dịch vụ y tế?


Tôi hy vọng Luật BHYT mới sẽ có tác động tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân và đây là vấn đề xã hội quan tâm. Luật có nội dung mang tính lâu dài, nhưng chắc chắn với những thay đổi này sẽ tạo ra những đột phá như: mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia bảo hiểm, cơ chế sử dụng nguồn lực từ bảo hiểm.


Chất lượng các dịch vụ y tế sẽ được nâng lên tương xứng với mức độ bao phủ của BHYT. Các nguồn lực có được thông qua bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước và huy động xã hội sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách cho đội ngũ bác sỹ, người làm công tác y tế, giúp chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT cải thiện hơn.


Xin cám ơn ông!


Phi Sơn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN