Bảo tồn di sản, kinh nghiệm của các nước - Hàn Quốc bảo tồn làng cổ

LTS: Công tác bảo tồn di sản của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều bất cập. Đơn cử như việc những người dân làng cổ Đường Lâm đã yêu cầu trả lại danh hiệu di sản của làng để có thể được... sống theo ý mình. Vậy, làm thế nào để giải bài toán "bảo tồn nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống cho người dân"? Hãy cùng lắng nghe những kinh nghiệm của các nước đã làm tốt công tác bảo tồn trên thế giới.

 

Hàn Quốc bảo tồn làng cổ


Hàn Quốc nổi tiếng với nhiều di sản văn hóa nhờ bề dày lịch sử lâu đời và ý thức gìn giữ của chính quyền và người dân, kèm theo là những chiến dịch vận động để được thế giới công nhận. Quá trình này không hề đơn giản, mà hai ngôi làng văn hóa Yangdong và Hahoe là những ví dụ điển hình.

 

Hai ngôi làng cổ nổi tiếng


Làng cổ Yangdong ra đời từ triều đại Joseon cách đây 550 năm, nằm ở thành phố Gyeongju là kinh đô của vương quốc cổ Shilla hàng nghìn năm về trước. Quy mô của ngôi làng, vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh, sự nguyên vẹn của những ngôi nhà cổ cùng số lượng lớn các giá trị phi vật thể, tất cả tạo ra giá trị của Yangdong. Ngôi làng này còn ghi dấu ấn đậm nét về cuộc sống của lớp quý tộc xưa ở Hàn Quốc. Còn làng Hahoe nằm ở thành phố Andong tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là làng một họ, do họ Ryu gốc Pungsan về xây dựng và sinh sống ở đây từ hơn 600 năm trước. Cái tên Hahoe có được chính là nhờ vào vị trí địa lý của làng. Hahoe tiếng Hán là "Hà Hồi" có nghĩa là sông chảy vòng quanh. Sông và núi uốn khúc theo hình chữ S. Cho nên người ta còn gọi làng Hahoe là "Sơn thái cực, thủy thái cực". Làng nằm ở chính giữa vị thế đó, nhìn giống như bông sen nổi trên mặt nước, nên còn gọi là "Liên hoa phù thủy hình", nghĩa là hình hoa sen trên mặt nước.

Những ngôi nhà cổ hình nấm nhìn từ trên cao.Ảnh: Internet


Nằm cách nhau khoảng 90 km, thuộc phía đông nam của bán đảo Triều Tiên, Hahoe và Yangdong được coi là hai ngôi làng gia tộc lịch sử tiêu biểu nhất ở Hàn Quốc, mang một đặc trưng văn hóa Nho giáo quý tộc của thời kì tiền Triều đại Joseon (1392-1910). Đây còn là nơi cư trú của những danh gia vọng tộc thời đó. Ngoài những ngôi nhà làm bằng gỗ rất lớn dành cho các gia đình giàu có, quần thể kiến trúc còn bao gồm các chòi nghỉ chân, giảng đường, viện nghiên cứu Nho giáo và một tổ hợp những căn nhà cổ làm bằng bùn đất và mái lá dành cho dân thường.


Năm 2010, hai ngôi làng cổ nổi tiếng này của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Báo cáo của UNESCO đã xác nhận 2 ngôi làng cổ này còn lưu giữ được lối sống truyền thống và kiến trúc độc đáo, dựa trên Nho giáo và thuyết phong thủy xưa. “Nét truyền thống đó đã được gìn giữ nguyên vẹn trong một thời gian dài. Nếu như làng Hahoe hôm nay vẫn mang hình bóng xưa, nằm trong tĩnh lặng với một con sông lững lờ chảy quanh, ôm cả ngôi làng vào lòng thì Yangdong lại nằm dựa vào một quả đồi thấp khoe phong cảnh huyền bí và vẻ đẹp của từng lối ngõ”.

 

Hài hòa giữa phát triển và bảo tồn


Tuy vậy, để có được danh hiệu đó, ít người biết rằng người dân và chính quyền phải trải qua rất nhiều cố gắng để bảo tồn nguyên vẹn khối tài sản cổ khổng lồ này khỏi sự xâm phạm bởi cuộc sống hiện đại như cầu bê tông, đường nhựa và đường sắt. Từ năm 1984, chính phủ Hàn Quốc đã đưa Hahoe và Yangdong vào diện cần được bảo tồn theo Luật Bảo vệ di sản Quốc gia. Liên tục thời gian dài sau đó, các cơ quan hữu quan củng cố hệ thống văn bản pháp lý về chính sách bảo tồn di sản trung và dài hạn, đưa ra các kế hoạch và dự án trùng tu bảo tồn liên tục hai ngôi làng dân gian này. Việc trùng tu, bảo tồn được đặt trong quần thể toàn diện gồm gìn giữ không gian rừng bao quanh, hệ thống cây xanh, đường ven sông, phát triển du lịch thân thiện môi trường.

Người dân làng cổ luôn đối mặt với khó khăn trong sinh hoạt. Ảnh: Internet


Tuy nhiên, kể từ khi được UNESCO công nhận, hai ngôi làng cổ Yangdong và Hahoe phải “oằn mình” gánh một lượng du khách tới thăm tăng đột biến. Và vấn đề nảy sinh là làm thế nào để gìn giữ các ngôi nhà cổ cho mục đích du lịch mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Hàng loạt cuộc hội thảo được tổ chức chỉ để giải quyết câu hỏi “liệu bảo tồn và phát triển du lịch có thể đồng tồn tại ở những ngôi làng cổ?”. Tại một cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc (AURI) tổ chức, Chủ tịch AURI Sohn Sae-gwan cho biết ngày càng có nhiều người muốn đến những ngôi làng cổ để sống trong những ngôi nhà truyền thống (mà người Hàn Quốc gọi là hanok). Cứ đến tháng 10 hàng năm là những chuyến xe buýt lại lũ lượt đưa khách du lịch và học sinh đến “sống thử” ở những ngôi nhà cổ. “Cái khó là ở chỗ ngoài việc là những điểm du lịch, các ngôi làng này trên thực tế còn là nơi sinh sống bởi những người dân muốn duy trì cuộc sống truyền thống và bảo vệ môi trường của họ”, giáo sư Kim Bong-yeol tại trường Đại học Mỹ thuật quốc gia Hàn Quốc nói.


Nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng nhiều khách sạn xung quanh ngôi làng để phục vụ du khách cũng như các công việc sửa chữa phục vụ nhu cầu của người dân sở tại sẽ phá hoại nét đẹp nguyên trạng của những ngôi làng nổi tiếng này. Tuy nhiên, ông Cho You-jeon, Giám đốc Quỹ Văn hóa Gyeonggi, cho rằng những người dân sống ở đây có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của ngôi làng. Một trong những lý do khiến hai ngôi làng này được công nhận là di sản văn hóa thế giới là bởi đây là những ngôi làng có người sinh sống.


AURI được chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 2010 nhằm thực hiện thêm nhiều nghiên cứu có hệ thống trong việc bảo tồn và định hướng tương lai cho những ngôi nhà cổ. Yoo Byung-kwon, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai, Giao thông và Biển cho biết trong khi chính sách bảo tồn chưa mang lại một hiệu quả nào rõ rệt, thì cái được là Chính phủ Hàn Quốc đã phát động các dự án bảo tồn nhà cổ và lên kế hoạch đào tạo thật nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Hiện ở Hàn Quốc có khoảng 170 ngôi làng cổ đang nhận được nguồn vốn bảo tồn của chính phủ.

Thành Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN