Báo chí tới nơi xa nhất, khó khăn nhất

Sau 2 năm triển khai Quyết định 2472/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, các báo, tạp chí tham gia cấp phát cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã góp phần giúp công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, việc triển khai thực hiện các chính sách, nhất là chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ được thông suốt, toàn diện.
Đồng thời cũng là kênh thông tin truyền tải đa dạng, sâu sát đời sống, ý kiến của đồng bào tới các cấp chính quyền.


Nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo chí


Trong hai năm 2012 - 2013, triển khai thực hiện Quyết định 2472/QĐ - TTg, ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, 100% báo chí được cấp phát đúng đối tượng, đảm bảo về chất lượng nội dung, số lượng, địa chỉ, cũng như đúng thời gian quy định. Các báo, tạp chí đã bám sát định hướng nội dung tuyên truyền do Ủy ban Dân tộc gợi ý. Tin, bài, ảnh đăng trên các báo, tạp chí ngắn gọn, ảnh rõ nét, trình bày đẹp, dễ đọc, dễ xem, cơ bản phù hợp với trình độ dân trí và nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dễ đọc, dễ hiểu và nhớ lâu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tặng quà cho học sinh dân tộc nội trú huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.


Theo khảo sát của Ủy ban Dân tộc, công tác quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí ngày càng được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm hơn. Những xã có điều kiện về cơ sở vật chất, có điểm bưu điện văn hóa xã, báo chí được lưu giữ ở các điểm bưu điện cho mọi người cùng được sử dụng. Đối với những xã có loa truyền thanh, các thông tin trên báo, tạp chí được chọn lọc, biên tập lại và phát trên loa. Đối với những ấn phẩm cấp cho hội phụ nữ, hội nông dân được sử dụng làm tài liệu sinh hoạt hội...

Tổng Biên tập báo Tin Tức Nguyễn Quang Vinh trao quà cho học sinh vùng khó ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.


Nhìn chung, các ấn phẩm báo, tạp chí theo QĐ 2472 được người dân đón nhận khá nhiệt tình bởi hình ảnh bắt mắt, nội dung thiết thực với bà con. Nhiều nơi, người dân đã chủ động đến nhà trưởng thôn mượn về đọc và chuyển cho nhiều người khác cùng đọc, cùng bình luận, trao đổi.
“Việc phát báo đúng đối tượng, thời gian đã giúp cán bộ xã và người dân tiếp cận, hiểu biết được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp thu nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, bảo tồn bản sắc đặc trưng của từng dân tộc”, ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc, đánh giá.


Tiếp tục đồng hành với đồng bào


Tiếp tục thực hiện Quyết định 2472, trong những năm tới, các báo, tạp chí tham gia chương trình “cần bám sát thực tiễn, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới như: việc làm, đất đai, y tế, giáo dục - đào tạo, môi trường, an sinh xã hội, văn hóa, đạo đức... kịp thời nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, phát hiện những vấn đề bức xúc trong nhân dân, những vấn đề phức tạp nảy sinh để tham mưu với Đảng, Nhà nước phối hợp với các ban, bộ, ngành địa phương giải quyết”, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết.

Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Biên tập báo Văn hóa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông tại xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.


Cũng theo đại diện này, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi, đánh giá về chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương việc theo dõi quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng; phối kết hợp đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động của các báo, tạp chí làm công tác tư tưởng. Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng các kỳ giao ban khối báo chí; chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại quan trọng, các sự kiện quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình chính trị ở địa phương và trong nước.


“Về phía các báo, tạp chí tham gia chương trình, cần tiếp tục biên tập và đổi mới nội dung, hình thức để phục vụ cho công tác tuyên truyền ngày càng có chất lượng hơn. Đồng thời chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng”, đại diện Ủy ban Dân tộc khẳng định.

 

Trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí tới các đối tượng thụ hưởng. Chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí, đơn vị phát hành các địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch xuất bản, phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí; xây dựng dự toán kinh phí hàng năm gửi Bộ Tài chính. Kiểm tra, rà soát điều chỉnh số lượng, địa chỉ các đối tượng thuộc vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo được cấp ấn phẩm báo, tạp chí; tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, hiệu quả thực hiện chính sách cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN