Bám dân chữa bệnh

Bệnh xá Quân y thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 356 đóng tại xã Pa Vệ Sử, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, đây là việc làm có ý nghĩa, khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân nơi biên giới.

“Cái” thuốc tốt

Cuối giờ chiều, chúng tôi cùng cán bộ quân y Bệnh xá Đoàn kinh tế 356 xuống bản để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Các anh cho biết, phải đi vào giờ này thì bà con mới ở nương về, hôm nay làm bản này hôm sau sẽ đến bản khác. Để công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn đạt hiệu quả, cán bộ Quân y thường xuyên xuống các thôn bản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết về tác dụng của việc khám, chữa bệnh và cách sử dụng các loại thuốc, qua đó giúp người dân nâng cao hiểu biết và phòng tránh được các loại bệnh thường gặp.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân tại đơn vị, các y bác sỹ Bệnh xá quân dân y còn xuống cơ sở để tuyên truyền, khám, phát thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số.


Trung úy Nguyễn Đình Hân, Bệnh xá trưởng kể chúng tôi nghe nhiều câu chuyện khi mới về công tác, xuống nhà dân phát thuốc và chữa bệnh. 5 năm về trước đồng bào dân tộc Mông, Dao trên địa bàn còn tin vào việc cúng bái con ma rừng, thần sông suối… để chữa bệnh. Bản Hang É, xã Pa Vây Sử có trường hợp em nhỏ bị bệnh suy suy hô hấp, nằm liệt giường, nhưng gia đình không mang ra trạm xá khám, mà để nhà tổ chức cúng ma. Nghe người trong bản nói, bác sỹ Hân khoác túi dụng cụ y tế và mang theo thuốc men xuống. Đến nhà, thấy ở cửa vào treo cây xanh, báo hiệu cấm người lạ vào. Ngần ngại một lúc, bác sỹ Hân quyết định vào, người nhà liền ra chặn cửa và bắt đưa tiền nộp phạt theo lý dân tộc để gia đình tổ chức cúng cho con. Chấp nhận chịu phạt, bác sỹ Hân xin được khám và chữa trị cho cháu bé. Người nhà nhất quyết không đồng ý, nhưng trưởng bản đến nói “cứ để cán bộ Hân làm, con khỏi bệnh là điều tốt và phúc đức cho mình, có mất gì đâu”. Nghe vậy, gia đình mới chịu để bác sỹ Hân khám, lấy thuốc và dặn dò bố mẹ phải cho cháu uống theo hướng dẫn. Hai ngày sau, sức khỏe cháu bé dần hồi phục và ăn uống bình thường, gia đình mang con gà, nải chuối đến tận Bệnh xá để cảm ơn và nói “cái thuốc của ý sinh tốt quá”.

Kết quả trong năm 2014, cán bộ quân y Đoàn kinh tế quốc phòng 356 đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 992 lượt người dân, siêu âm 412 ca, điện tim 204 ca, điều trị nội trú 540 lượt người, tổng giá trị trên 240 triệu đồng. Bệnh xá có 20 giường bệnh để điều trị nội trú và ngoại trú cho nhân dân của 8 xã khu vực Dào San (Phong Thổ).

Ở khu vực khó khăn, biên giới, giúp đỡ được đồng bào dân tộc việc gì, bản thân y bác sỹ Bệnh xá cảm thấy vui và hạnh phúc. Cán bộ Bệnh xá đi cùng, kể chúng tôi nghe về trường hợp thai phụ khó đẻ, bác sỹ Hân phải xắn tay cùng cô đỡ của Trạm y tế xã thì ca đẻ đó mới mẹ tròn con vuông. Sản phụ lên Trạm y tế xã để đẻ, mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa sinh được, chị em phải lên mời y bác sỹ Bệnh xá xuống giúp đỡ. Bác sỹ Hân vội vã cắp túi xuống, kiểm tra sức khỏe xem thai phụ có đủ điều kiện để đẻ tại trạm xá hay phải chuyển lên tuyến trên. Anh chị em y bác sỹ cố gắng động viên thai phụ, áp dụng các kỹ thuật, nên 30 phút sau ca đẻ thành công. Bé trai ra đời kháu khỉnh, mạnh khỏe, gia đình phấn khởi cảm ơn và nhờ bác sỹ Hân đặt tên cho con.

Nâng cao ý thức phòng, chữa bệnh

Trời sẩm tối, từng ngôi nhà dân lần lượt lên đèn, các cán bộ Bệnh xá vẫn ngược dốc đến các gia đình. Tôi hỏi, sao các anh không nghỉ? Bác sỹ Hân nói: “Chúng tôi thực hiện theo kế hoạch, không đi vào thời điểm này thì ban ngày người dân đi nương, đi ruộng, lấy đâu ra người mà khám và cho thuốc. Mệt, nhưng thấy vui vì giúp được đồng bào dân tộc, họ tin và sẽ nghe lời mình nói. Dân niềm nở gặp là gọi “ý sinh” - thầy thuốc thì anh em Bệnh xá hạnh phúc lắm, họ gọi thế chứng tỏ đã coi trọng việc khám chữa bệnh, chứ không mê tín cúng bái nữa như trước nữa”.

Chúng tôi vào gia đình chị Sùng Thị Mỷ, ở bản Hang É (xã Pa Vây Sử), cả nhà vừa ăn cơm xong. Chị Mỷ xởi lởi mời “ý sinh” vào nhà và rót nước mời khách. Cán bộ quân y tiến hành khám và cấp thuốc cho từng người. Tôi hỏi, đồng bào mình còn cúng bái chữa bệnh không? Chị Sùng Thị Mỷ nói: “Được cán bộ quân y - Đoàn kinh tế quốc phòng 356, thường xuyên xuống tuyên truyền, giúp chúng tôi hiểu biết về vai trò thuốc đối với bệnh tật, vì vậy tập tục cúng bái, chữa bệnh mê tín của người dân chúng tôi dần được bỏ đi. Người dân ốm đau đã chủ động lên Trạm y tế xã, hoặc đến Bệnh xá quân dân y kết hợp - Đoàn kinh tế quốc phòng 356 khám và chữa bệnh”.

Ông Giàng A Tung, Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sử chia sẻ: “Đồng bào dân tộc được cán bộ quân - dân y tuyên truyền, vận động nên hiện nay không còn cúng bái để chữa bệnh nữa. Ốm đau, mọi người đều lên Bệnh xá quân y, Trạm y tế xã để khám và xin thuốc, điều trị. Những năm gần đây, dịch bệnh trên địa bàn giảm hẳn, người dân ý thức tự chăm sóc và vệ sinh phòng chống dịch bệnh rất tốt. Cán bộ y bác sỹ Bệnh xá - Đoàn kinh tế quốc phòng nhiệt tình, không ngại khó khăn vất vả để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

Sáng sớm biên giới, tiết trời thu se se lạnh, mây trắng giăng giăng. Chia tay chúng tôi, trung úy Nguyễn Đình Hân nói, có dịp về quê ở Hà Nội sẽ ghé thăm anh em. Xe đổ đèo về thành phố Lai Châu, hai bên đường hoa ban nở trắng ngần, người Mông, người Dao xúng sính xuống chợ, sắc màu vùng cao nên thơ.

V.Hoàng

Sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh
Sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề chất lượng khám chữa bệnh sẽ ra sao nếu tính đủ các chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN