Bài toán cải cách giáo dục ở Nga

Đã từ lâu, nền giáo dục Nga nói chung và kỳ thi quốc gia duy nhất của nước này nói riêng đã bộc lộ những bất cập nhất định. Lãnh đạo Nga chủ trương tiến hành cải cách giáo dục, trước hết là chấn chỉnh công tác tổ chức kỳ thi quốc gia, đây vừa là kết quả tốt nghiệp phổ thông, vừa là cơ sở xét tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, báo chí Nga khẳng định số tiền đầu tư cho ngành giáo dục cứ… một đi, mà tiến bộ vẫn chưa thấy… trở lại.

Các thành viên nội các Nga luôn biểu quyết ủng hộ cải cách giáo dục.

Trong một cuộc họp báo lớn cuối năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Cần phải cải cách hệ thống tổ chức kỳ thi quốc gia duy nhất, sao cho đề thi phải giúp phản ánh chính xác và đầy đủ nhất kiến thức của học sinh. Trên cơ sở đó, kết quả kỳ thi quốc gia mới có thể giúp các trường đại học tuyển sinh chính xác. Tổng thống cũng thừa nhận đề bài của kỳ thi quốc gia duy nhất ít nhiều đã phá vỡ hệ thống giáo dục phổ thông ở Nga, một hệ thống giáo dục dựa vào "lĩnh hội kiến thức" chứ không phải chỉ "luyện theo những câu hỏi". Theo ông, kỳ thi quốc gia nếu được tổ chức như hiện nay, vô tình có thể chỉ để tuyển được những học sinh học vẹt mà không khuyến khích các em tư duy một cách khoa học. Điều này khiến cho không ít nhà chuyên môn lo ngại "nền giáo dục Nga khó có thể tìm ra những Lomonosov thực sự".


Cần phải thừa nhận rằng thời gian qua, Tổng thống Putin đặc biệt quan tâm và yêu cầu tăng cường đầu tư cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, các cuộc điều tra dư luận xã hội cho thấy tiền đầu tư cho giáo dục tăng, trong khi chất lượng và những tiến bộ của ngành này không những không tăng theo, mà còn có chiều hướng tỷ lệ nghịch. Nhìn chung, dư luận Nga đang đặt một câu hỏi: vì đâu tiền đầu tư tăng, công tác cải cách giáo dục được tiến hành khẩn trương, song chất lượng và những tiến bộ trong ngành này lại hoàn toàn không có?!


Mới đây, ông Yaroslav Kuzminov - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Moskva (HSE) - cho rằng đại bộ phận người dân Nga không muốn và cũng không biết tiến hành cải cách giáo dục nên bắt đầu từ đâu. Nhà sư phạm này cho rằng bắt đầu cải cách nền giáo dục từ khâu nào vẫn là một câu hỏi không quá khó. Một vấn đề còn nan giải hơn, chính là người dân có đồng lòng ủng hộ, cũng như các quan chức có quyết tâm thực hiện chủ trương cải cách giáo dục hay không. Được biết, nếu nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí, thì bản thân những quan chức ngành giáo dục đều "giơ cả hai tay ủng hộ". Vấn đề chỉ còn ở chỗ cần tiến hành công cuộc cải cách nền giáo dục như thế nào. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện, theo nhà sư phạm này, rất dễ làm cho tình hình càng trở nên rối ren hơn. Ông Kuzminov lưu ý rằng, người dân và các quan chức hiện chưa thực sự thống nhất quan điểm về cốt lõi của cải cách giáo dục cũng như nhiệm vụ phát triển ngành này.


Liên quan yêu cầu của Tổng thống Putin tổ chức lại kỳ thi quốc gia duy nhất, ông Kuzminov đề xuất cần phải bắt đầu ngay với việc chống gian lận thi cử. Điều quan trọng hơn nữa, theo ông Kuzminov, nên chia kỳ thi quốc gia duy nhất thành hai phần. Phần một dành cho tất cả học sinh phổ thông với đề thi nhằm sát hạch kiến thức phổ cập và phần thi thứ hai (không bắt buộc) có đề thi khó hơn, giúp phân loại học sinh. Kỳ thi này cũng là cơ sở chính xác hơn, giúp nâng cao chất lượng tuyển sinh của các trường đại học.


Bất luận cuối cùng nước Nga sẽ giải quyết bài toán giáo dục ra sao, chỉ có một điều chắc chắn, trong công cuộc trồng người, không thể nóng vội dẫn tới những sai lầm, có thể làm hỏng cả một thế hệ tương lai. Và đó cũng không phải là bài toán hóc búa chỉ dành riêng cho nước Nga.


Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN