Ba trẻ tử vong sau tiêm chủng không phải do vắcxin

Tuy chưa nhận được kết luận từ phía cơ quan điều tra về nguyên nhân 3 trẻ tử vong sau tiêm chủng tại tỉnh Quảng Trị; nhưng trao đổi với báo chí sáng ngày 25/10, một đại diện Bộ Y tế đã khẳng định: “Đến nay, nguyên nhân tử vong do vắcxin đã được loại trừ”.

Khả năng do tiêm nhầm thuốc


Theo ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”, để tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm cá nhân.


Trước đó, ngày 20/7, người dân cả nước bàng hoàng, xót xa khi nghe thông tin 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình điều tra nguyên nhân đã phát hiện, BV đa khoa huyện Hướng Hóa bảo quản, quản lý vắcxin chưa đúng quy định, để vắcxin cùng sinh phẩm khác; không ghi chép quản lý vắcxin hàng ngày, không lưu vỏ, lọ theo quy định... Chính vì có sự sai sót nghiêm trọng này ngay tại thời điểm đó, một số chuyên gia y tế đầu ngành nghi ngờ trong mũi thuốc tiêm cho 3 trẻ có “chất lạ” (có thể trẻ bị tiêm nhầm thuốc). Vì vậy, dẫn đến tình trạng cả 3 trẻ bị sốc phản vệ và tử vong với những triệu chứng rất giống nhau.

Trên thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp sau khi điều tra xác định nguyên nhân không phải do vắcxin mà do lỗi thực hành tiêm chủng như tiêm nhầm thuốc tại Yemen năm 1997 đã tiêm nhầm insulin cho 70 trẻ và gây tử vong cho 21 trẻ. (Nguồn: Bộ Y tế)


Hội đồng tư vấn chuyên môn, đánh giá tai biến trong sử dụng vắcxin và sinh phẩm y tế tỉnh Quảng Trị và đoàn chuyên gia của Bộ Y tế lúc đó đã loại trừ nguyên nhân do sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ; chỉ còn 2 nguyên nhân chưa được loại trừ đó là do chất lượng vắcxin và dịch vụ tiêm chủng tại BV đa khoa huyện Hướng Hóa.


“Bộ Y tế nhận thấy việc 3 trẻ tử vong sau tiêm vắcxin viêm gan B tại BV đa khoa huyện Hướng Hóa, là một sự cố hy hữu đáng tiếc trong suốt quá trình 25 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Để giải quyết sự việc với tinh thần đảm bảo tính khách quan, xác định đúng người đúng việc, tránh tình trạng bao che, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tích cực điều tra để tìm nguyên nhân”, ông Phu khẳng định.


Và suốt từ tháng 7/2013 đến nay, dư luận luôn ngóng chờ cơ quan chức năng công bố kết luận nguyên nhân trẻ tử vong là do chất lượng vắcxin hay do nhân viên y tế sai sót trong quá trình tiêm chủng. Cho đến sáng hôm qua (25/10), rất nhiều người dân sững sờ khi một tờ báo trích nguồn tin riêng, khẳng định rằng: “Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong: Do tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung”. Thời điểm tiêm chủng, BV mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắcxin. Do ở đây, vắcxin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắcxin viêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé... Hiện nay, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ việc hai nhân viên y tế BV đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị sơ ý vô trách nhiệm, vi phạm quy định an toàn tiêm chủng dẫn đến chết người.


Theo một cán bộ y tế, Oxytocin là thuốc chỉ được dùng cho người lớn, thường dùng để gây sẩy thai, gây co bóp tử cung để thúc đẻ... Vậy nên, việc để lẫn loại thuốc này với vắcxin tiêm cho trẻ là điều không được phép vì rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể dẫn đến việc chết người.


Tăng kiểm tra, giám sát


Theo ông Trần Đắc Phu, Bộ Y tế vẫn đang chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan điều tra về nguyên nhân vụ việc nêu trên. Để hạn chế sự cố đáng tiếc tương tự, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, tránh những sai sót có thể xảy ra.


“Chúng tôi đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc. Tập huấn cho cán bộ tiêm chủng. Quy định số trẻ tiêm chủng không quá 50 trẻ/buổi. Thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn theo dõi sau tiêm chủng. Truyền thông về an toàn tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng tại các bệnh viện phải có tủ bảo quản vắcxin riêng cũng như bàn tiêm riêng... Chỉ điểm tiêm chủng nào đạt được quy định của Bộ Y tế thì mới được phép tiến hành tiêm”, ông Phu khẳng định”.


GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhấn mạnh: “Ngoài sự nỗ lực của Bộ Y tế thì vai trò quản lý, chỉ đạo của chính quyền địa phương nói chung và các Sở Y tế nói riêng đối với công tác y tế trên địa bàn là rất quan trọng. Nếu ngành y tế các địa phương làm tốt công tác tập huấn cho cán bộ y tế, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ tiêm chủng, trong đó có vấn đề bảo quản và quản lý vắcxin, qui trình tiêm chủng... thì sẽ tránh được những sai sót trong quá trình tiêm chủng”.


Như vậy, các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng vắcxin viêm gan B hiện đã có thể yên tâm phần nào vì đã loại trừ được nguyên nhân trẻ tử vong do chất lượng vắcxin. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang mong chờ sự công bố kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Bởi lẽ, nếu là trẻ tử vong do tiêm nhầm thuốc thì không chỉ là trách nhiệm của riêng cán bộ thực hành tiêm chủng tại BV đa khoa huyện Hướng Hóa, ngành y tế cần xem xét lại toàn bộ quy trình và phải củng cố hệ thống giám sát chất lượng tiêm chủng trong toàn quốc, thì mới mong hạn chế được những sự cố đau lòng tương tự như đã xảy ra.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN