AP cáo buộc chính quyền Mỹ xâm phạm quyền tự do báo chí

Hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ, trụ sở chính tại thành phố New York, ngày 13/5 đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama vi phạm quyền tự do báo chí khi bí mật thu lại các bản kê dữ liệu cuộc gọi của phóng viên hãng này ở nhiều nơi trên lãnh thổ Mỹ.

Kiểu “tiền trảm hậu tấu” chưa có tiền lệ


Các bản dữ liệu nói trên thống kê đầy đủ thông tin về các cuộc gọi đi và đến, thời lượng mỗi cuộc gọi của cả điện thoại cá nhân và điện thoại bàn làm việc của các phóng viên, biên tập viên AP tại các văn phòng ở các thành phố New York, Oasinhtơn, Hartford (bang Connecticut) và tại Hạ viện Mỹ.

AP là một mục tiêu trong chiến dịch ngăn chặn rò rỉ thông tin mật của chính quyền Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN


Tổng thể có hơn 20 đường điện thoại của AP và các phóng viên của hãng này bị Bộ Tư pháp Mỹ bí mật thu bản kê chi tiết cuộc gọi trong hai tháng 4 - 5/2012. Hiện chưa rõ số lượng phóng viên sử dụng các đường điện thoại này trong khoảng thời gian trên, song AP cho biết có hơn 100 phóng viên làm việc tại các văn phòng này và bảng kê điện thoại của họ cũng nằm trong “tầm ngắm” của chính phủ.


Trong thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của AP, ông Gary Pruitt, đã mạnh mẽ phản đối hành động trên của chính phủ, cho rằng đây là “hành động xâm phạm lớn và chưa từng có tiền lệ” và không thể bao biện được bằng bất kể lý do gì. Ông Gary Pruitt cũng yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ hoàn trả toàn bộ các bản kê cuộc gọi và hủy tất cả các bản sao.


Cũng theo ông Gary Pruitt, trong lá thư thông báo sự việc gửi cho AP ngày 10/5, Bộ Tư pháp Mỹ không đưa ra lời giải thích nào. Điều đáng nói là các bản kê này đã bị thu thập thông qua các công ty điện thoại từ hồi đầu năm. Thông thường, các báo, hãng thông tấn phải được thông báo trước rằng chính phủ muốn thông tin về các cuộc gọi để phục vụ điều tra và hai bên sẽ phải thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, lần này Bộ Tư pháp Mỹ đã “tiền trảm, hậu tấu” với lý do “việc thông báo trước có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể cho toàn bộ quá trình điều tra”.

Tại không tuân thủ sự chỉ đạo?


Các quan chức cho biết việc theo dõi bảng kê điện thoại này liên quan tới chiến dịch điều tra của chính quyền liên bang về việc ai đã tiết lộ thông tin cho AP về chiến dịch của Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ tại Yêmen, giúp cho AP đưa tin trước một ngày chính phủ định đưa ra tuyên bố chính thức, mặc dù chính phủ Mỹ đã đề nghị các báo “phát sau”.


Ngày 7/5/2012, bản tin của AP tiết lộ chi tiết chiến dịch của CIA tại Yêmen nhằm ngăn chặn một âm mưu đánh bom nhân dịp kỷ niệm một năm Osama bin Laden bị tiêu diệt (2/5/2011). Trước đó, AP đã trì hoãn việc đưa tin này theo đề nghị của các quan chức chính phủ vì sợ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Sau khi tình hình lắng xuống, AP định công bố thông tin thì một lần nữa chính quyền của ông Barack Obama lại đề nghị “từ từ” để chính phủ có thể ra tuyên bố chính thức về sự việc.


Việc điều tra quy mô lớn lần này nhằm vào AP chỉ là một phần trong chiến dịch mạnh tay của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin mật. Theo thống kê của tờ “Telegraph” (Anh), chính quyền Obama tới nay đã tiến hành 6 chiến dịch điều tra rò rỉ thông tin, lớn hơn tổng số chiến dịch điều tra của tất cả các tổng thống trước đó cộng lại.


Trong cuộc điều trần tháng 2/2013, Giám đốc CIA John Brennan cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã chất vấn ông về vụ tiết lộ này với hãng tin AP. Đánh giá về vụ việc này, Hạ nghị sỹ Darrell Issa, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Giám sát chính phủ của Hạ viện, cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ lẽ ra phải tìm cách khác trước khi xâm phạm quyền tự do báo chí.


L.D(tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN