Anh kiên quyết chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo

Sau các vụ tấn công khủng bố vừa qua tại thủ đô Paris của Pháp cũng như tình hình căng thẳng gia tăng tại Iraq và Syria, Chính phủ Anh đã quyết định thay đổi chiến lược trong đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, nâng lên mức "kiên quyết hơn".

Nhiều thiếu nữ Anh quyết sang Syria để gia nhập nhóm phiến quân IS.


Theo thông báo của Bộ Nội vụ Anh ngày 8/3, hiện tại những đối tượng có nhiều nguy cơ nhất rơi vào ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan là trẻ em và thanh niên. Bộ trên lý giải điều này là do những cá nhân "muốn châm lên lòng hận thù" đã kịp thâm nhập vào hệ thống giáo dục, thậm chí còn giữ cả những vị trí lãnh đạo trong hệ thống này của Anh. Bộ Nội vụ Anh đã ghi nhận một số vụ các tư tưởng cực đoan được tuyên truyền công khai tại trường phổ thông và trường đại học của Vương quốc này. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Anh cũng kêu gọi điều tra kỹ thông tin về sự tồn tại của các tòa án luật Sharia trên lãnh thổ Vương quốc, đồng thời siết chặt quy định cấp thị thực dài hạn vào Anh. Các biện pháp trên nhằm "nâng tầm cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan và củng cố quyết tâm trong cuộc đấu tranh đó". 


Hồi cuối mùa Hè năm 2014, Bộ Nội vụ Anh đã nâng đánh giá nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ mức "đáng kể" lên mức "nghiêm trọng", bậc thứ 4 trong hệ thống 5 thang bậc.


Trong bối cảnh này, báo Anh "Sunday Telegraph" số ra ngày 8/3 đưa tin khoảng một nửa trong tổng số khoảng 700 người Anh tới Syria để tham chiến cùng lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) nay đã trở về nước, cao hơn so với con số ước tính trước đó là 500 người rời đi và 250 đã trở về nước. Người Anh tham chiến trong hàng ngũ "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) chủ yếu là người gốc châu Á và Bắc Phi. Cũng theo ghi nhận, độ tuổi của những người này ngày càng trẻ.


Trong một diễn biến liên quan, người đứng đầu Cơ quan phản gián quân sự Đức Christoph Gramm tuyên bố các phần tử cực đoan Hồi giáo có thể thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng vũ trang nước này để tiếp cận các công nghệ quân sự và sau đó gia nhập hàng ngũ IS. Ông cảnh báo quân đội Đức có thể đang bị sử dụng như "trường học" cho các phần tử Hồi giáo. Cũng theo thông tin từ ông Gramm, hiện gần 20 cựu quân nhân Đức đã tới Syria và Iraq. 


Ngày 8/3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cho biết tới nay đã có khoảng 650 người Đức từ nước này tới các khu vực chiến sự ở Iraq và Syria để gia nhập IS, trong đó có khoảng 180 người đã quay trở lại Đức. Đây là mối nguy gián tiếp đối với nhà chức trách Đức do những người này có thể kích động cực đoan hóa những tín đồ Hồi giáo khác, thậm chí có thể tham gia huấn luyện các tay súng. Giới chức Đức hiện đang theo dõi chặt chẽ việc di chuyển của những đối tượng này. Ngoài ra, còn có trên 1.000 đối tượng có nguy cơ cao cũng bị giới chức Đức đưa vào diện theo dõi.



TTXVN/Tin tức

Philippines, Pháp tăng cường hợp tác chống khủng bố
Philippines, Pháp tăng cường hợp tác chống khủng bố

Tổng thống Philippines Benigno Aquino và người đồng cấp Pháp Francois Hollande 26/2 đã nhất trí tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN