Ẩn họa khó lường trong quản lý ATVS thực phẩm

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được xem là trọng tâm để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Thế nhưng, sau hơn 2 năm thành lập Chi cục ATVSTP, công tác quản lý ATVSTP ở Đắk Lắk vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa”.

Ông Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đắk Lắk cho biết : tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 5.000 doanh nghiệp, cơ sở, hộ chế biến, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm cần được giám sát về ATVSTP. Thế nhưng hiện toàn chi cục có 18 cán bộ, nhân viên (kể cả biên chế và hợp đồng), trong đó chỉ có 15 người thực hiện công tác chuyên môn.

Ảnh:Internet

Tỉnh Đắk Lắk có tới 15 huyện, thị xã, thành phố, để có thể giám sát được công tác ATVSTP ở các địa phương, ngoài bộ máy hành chính, lực lượng nhân viên nghiệp vụ tại chi cục, cần ít nhất 15 người làm công tác chuyên trách, giám sát ở 15 huyện, thị xã.

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng này hoàn toàn trống vắng, trong khi đó theo đánh giá thì ngoài một số cán bộ, nhận viên ở chi cục được đào tạo bài bản về chuyên ngành ATVSTP, còn lại tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk hiện chưa có một cán bộ nào có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực này.

Hàng năm ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đều phát động Tháng ATVSTP (từ 15/4 – 15/5). Vào dịp này, Chi cục huy động tối đa được khoảng chục cán bộ, nhân viên cùng với nhân sự tăng cường của Sở Y tế và các ngành khác thành lập vài đoàn liên ngành để tổng kiểm tra trên địa bàn 15 huyện, thị, xã, thành phố.

Nói là “tổng kiểm tra”, nhưng thực tế dù các đoàn liên ngành này có nỗ lực đến bao nhiêu thì cũng chỉ như “muối bỏ bể”, bởi địa bàn quá rộng, số lượng doanh nghiệp, cơ sở cần kiểm tra lại quá nhiều. Mặt khác, muốn kiểm tra một sản phẩm nào đó phải mua mẫu, sau đó thuê phương tiện vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm (hiện toàn vùng Tây Nguyên chưa có cơ sở nào đủ tiêu chuẩn để thực hiện xét nghiệm kiểm định).

Thời gian để có kết quả kiểm nghiệm nhanh nhất phải tính bằng tuần lễ hoặc bằng tháng, do chưa biết lô hàng hóa đó có vi phạm ATVSTP hay không nên không thể tịch thu hay ngăn cấm họ sản xuất, tiêu thụ. Và thế là trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm, lô hàng hóa đó (dù có thể sau kiểm nghiệm có nhiều chất độc hại, không đạt tiêu chuẩn ATVSTP) vẫn vô tư đến tay người tiêu dùng.

Lực lượng cán bộ chuyên trách cấp tỉnh (cấp huyện chưa có) vốn đã quá mỏng lại gặp khó khăn về kinh phí. Ngoài số kinh phí chi thường xuyên được cấp bình quân theo đầu người, hàng năm Chi cục cũng được cấp thêm một khoản kinh phí cho việc thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, nhưng khoản cấp này quá nhỏ.


Trong khi, chỉ để kiểm nghiệm 1 mẫu nước uống đóng bình, ngoài chi phí mua mẫu (3mẫu/sản phẩm), vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, thì tiền xét nghiệm mỗi mẫu thấp nhất cũng mất tới 27 triệu đồng. Hiện địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước tinh khiết, trong đó theo đánh giá chỉ có 4 - 5 cơ sở có dây chuyền công nghệ đạt chuẩn. Vì vậy, chỉ cần lấy mẫu của một nửa số sản phẩm nước tinh khiết đi xét nghiệm đã mất một khoản kinh phí lớn.

Trong khi đó, với quyền hạn của mình, lực lượng chuyên trách nếu phát hiện sai phạm tại chỗ nhưng không được xử phạt “nóng”, mà chỉ được đề nghị các cơ quan chức năng khác xử phạt, rút giấy phép kinh doanh. Quá nhiều khó khăn khiến nhiều khi thấy các cơ sở có dấu hiệu vi phạm nhưng cán bộ chức năng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở để khắc phục từ từ mà không dám lấy mẫu để kiểm nghiệm.

Trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn hiện mới chỉ có 5 đơn vị áp dụng quy trình chuẩn ATVSTP (tiêu chuẩn HATSAT). Vì vậy, vấn đề ATVSTP vẫn là một ẩn họa khó lường cho hơn 1,8 triệu dân tỉnh Đắk Lắk./.

Việt Dũng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN