Ấm dần, nông dân khẩn trương xuống đồng

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhận định: “Từ nay đến đầu tháng 3, thời tiết sẽ ấm dần kèm mưa phùn về đêm và sáng; một số ngày hửng nắng về trưa và chiều”. Thời tiết này rất thích hợp cho việc gieo cấy lúa đông xuân.


Trời ấm đến 3/3


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn Trung ương, tại các tỉnh phía tây Bắc Bộ, từ nay đến ngày 27/2, đêm và sáng nhiều mây, có mưa nhỏ, sáng sớm có sương mù, nhưng trưa và chiều trời chuyển nắng. Từ ngày 28/2 đến 3/3, khu vực này không có mưa, ngày nắng, riêng vùng núi cao trời rét về đêm và sáng. Các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ nay đến đầu tháng 3, sương mù và mưa phùn chỉ xuất hiện vào đêm và sáng sớm. Từ trưa đến chiều, trời hửng nắng và có gió đông nam cấp 2, cấp 3.

 

Nông dân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xuống đồng cấy vụ đông xuân 2013-2014. Ảnh: Đình Huệ- TTXVN


Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm: “Các tỉnh miền Bắc sẽ có hai ngày cuối tuần (1-2/3) nắng đẹp, thậm chí là có thể gây cảm giác oi bức vào buổi trưa. Nhiệt độ cao nhất trong hai ngày cuối tuần có thể đạt đến 26- 28 độ C, tương đương đợt nắng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Sau đó, vào ngày 3/3, khu vực này sẽ lại đón một đợt gió mùa đông bắc nữa”. Tuy nhiên, đợt rét này chỉ kéo dài trong khoảng 3 ngày với nền nhiệt độ ở khu vực đồng bằng từ 16- 18 độ, khu vực miền núi từ 12- 15 độ C.


Tranh thủ xuống đồng


Đến thời điểm này, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gieo cấy xong 339.000/344.000 ha, chiếm 98%; các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành 335.000/559.000 ha, chiếm 60% và các tỉnh miền núi phía Bắc cũng gieo cấy xong 135.000/240.000 ha, đạt trên 70% kế hoạch. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nông dân các tỉnh này đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy nốt diện tích còn lại cho kịp lịch thời vụ.


Tại Hòa Bình, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp đảm bảo gieo cấy lúa đúng thời vụ. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ hoàn tất việc gieo cấy lúa trong tháng này. Đối với những cánh đồng không đảm bảo nguồn nước, tỉnh khuyến cáo bà con chủ động chuyển đổi sang trồng màu như cây ngô nhằm đảm bảo sản lượng và thu nhập ổn định. Theo kế hoạch, vụ này, toàn tỉnh gieo cấy trên 15.054 ha.


Tỉnh Phú Thọ đã gieo cấy được 31.883 ha, đạt gần 90% kế hoạch. Tranh thủ khi thời tiết ấm lên, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo nông dân khẩn trương gieo cấy phần diện tích còn lại, phấn đấu hoàn thành trong tháng 2 này; đồng thời chủ động giống lúa ngắn ngày và mạ dự phòng để sẵn sàng ứng phó khi thời tiết bất lợi xảy ra.


Bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương cũng đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy cho kịp khung thời vụ. Bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) cho biết, đến nay toàn tỉnh đã cấy được 57% kế hoạch. Dự kiến, đến cuối tháng 2, Hải Dương sẽ kết thúc việc gieo cấy 63.000 ha lúa vụ này; trong đó, trà sớm khoảng 10%, trà muộn 90% diện tích.


Bón phân đúng cách


Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Cục đã đề nghị các địa phương huy động tối đa lực lượng lao động nhanh chóng chuẩn bị ruộng tốt, khi thời tiết ấm lên tập trung cấy hoặc gieo thẳng, tránh tình trạng “mạ chờ ruộng”. Cục cũng yêu cầu các tỉnh phía Bắc phấn đấu cấy nhanh, gọn trong khung thời vụ cho phép (trước 28/2, chậm nhất đến 5/3/2014 phải hoàn thành). Với diện tích mạ và lúa bị chết hoặc có nguy cơ bị chết, bà con khẩn trương gieo bổ sung mạ nền đất cứng, mạ sân hoặc gieo thẳng bằng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày để đảm bảo kế hoạch gieo cấy. Đối với diện tích lúa đã cấy và diện tích lúa gieo thẳng, bà con cần giữ nước đều trên mặt ruộng; bón bổ sung lân supe nếu nền nhiệt dưới 20oC kéo dài. Khi trời ấm, bà con cần tranh thủ tỉa dặm kịp thời để đảm bảo đủ mật độ và bón thúc sớm bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK hàm lượng cao, chuyên thúc để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh thuận lợi. Đối với các chân ruộng cao, khó lấy nước, Cục khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao.


Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cũng đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, theo dõi các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại trên mạ và lúa như: rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen và vàng lùn, lùn xoắn lá... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.


Huyền Tím- BKT

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN