Ai Cập tuyên bố sử dụng “bàn tay sắt”

Chính phủ Ai Cập ngày 8/5 tuyên bố sẽ sử dụng “bàn tay sắt” để bảo vệ an ninh quốc gia.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các khẩn cấp, Bộ trưởng Tư pháp Abdel Aziz al-Gindi cho biết, Cairô sẽ áp dụng luật chống khủng bố với những kẻ gây đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời triển khai ngay lập tức và triệt để các quy định xử phạt hành vi tấn công những cơ sở tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng (của người dân).

Lực lượng cứu hỏa Ai Cập đang dập một đám cháy sau cuộc đụng độ giữa những người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo tại Imbaba. Ảnh: AFP - TTXVN


Bộ trưởng Gindi cho biết thêm, theo luật chống khủng bố, những kẻ làm tổn hại đến an ninh quốc gia sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, thậm chí có thể bị kết án tử hình.

Trước đó, Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf đã kêu gọi tổ chức cuộc họp nội các khẩn cấp sau khi xảy ra các vụ xung đột tôn giáo giữa những tín đồ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo tại Imbaba đêm 7/5.

Đụng độ đã bùng phát tại vùng Imbaba (ở tây bắc thủ đô Cairô), khi những người Hồi giáo tấn công một nhà thờ Thiên Chúa giáo để giải thoát một phụ nữ mà họ cho là bị giam giữ do muốn cải sang đạo Hồi. Theo hãng tin AFP (Pháp), vụ đụng độ đã làm ít nhất 12 người thiệt mạng và 232 người bị thương. Hầu hết các nạn nhân là người theo đạo Thiên Chúa (tín đồ Thiên Chúa giáo hiện chiếm 10% tổng số 80 triệu dân Ai Cập).

Thời gian gần đây, ở Ai Cập thường xảy ra các vụ đụng độ giữa người theo đạo Hồi và đạo Thiên Chúa, đặc biệt là từ sau làn sóng biểu tình dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Hosni Mubarack.

Libi hoan nghênh đề xuất giải quyết khủng hoảng chính trị

Libi hoan nghênh bất kỳ đề xuất nào có giá trị và có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở nước này. Đó là tuyên bố được Thủ tướng Libi al-Baghdadi Ali al-Mahmoudi đưa ra tại cuộc họp báo ngày 7/5 ở thủ đô Tripôli.

Các đại biểu tham dự Hội nghị quốc gia các bộ tộc Libi. Ảnh: AFP - TTXVN


Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng al-Mahmoudi kêu gọi các quốc gia thực hiện đúng các nghị quyết của Liên hợp quốc về Libi, đồng thời cho rằng cần phải xem xét và điều tra bất kỳ hành động nào vi phạm những nghị quyết này. Về phía Libi, Thủ tướng al-Mahmoudi cho biết, Libi sẽ thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết 1970 và 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng như các đề xuất ngừng bắn của quốc tế, đặc biệt là kế hoạch ngừng bắn do Liên minh châu Phi (AU) đưa ra.

Theo Tân Hoa xã, tại Hội nghị quốc gia các bộ lạc Libi diễn ra cuối tuần qua ở Tripôli, những người các bộ lạc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi. Hội nghị, với sự tham gia của hơn 2.000 đại diện của 850 bộ lạc, đã đạt được 18 thỏa thuận. Các thỏa thuận này nhấn mạnh, Libi là một quốc gia độc lập và không cho phép nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước này; chỉ có nhân dân Libi mới có quyền quyết định đối với hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí cùng hợp lực để bảo vệ sự độc lập của đất nước và chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. Những người đại diện cho các bộ lạc ở Libi cũng kêu gọi sớm khôi phục trật tự xã hội ở nước này và chấp nhận các giải pháp hợp lý cho cuộc xung đột hiện nay.

Trong khi đó, chiến sự tại Libi vẫn diễn ra ác liệt. Tối 8/5 (giờ Việt Nam) đã có 2 tiếng nổ lớn ở thủ đô Tripôli, khu vực có tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Kadhafi.

Tại thành phố Zintan ở tây bắc Libi, ít nhất 9 người thuộc phe đối lập đã thiệt mạng và 50 người bị thương trong một cuộc giao tranh dữ dội với quân chính phủ. Hàng trăm binh sĩ lực lượng chính phủ, với sự hỗ trợ của xe tăng, đã hai lần tiến sâu vào Zintan và bắn khoảng 300 quả tên lửa.

Dọc biên giới giữa Libi và Tuynidi, giao tranh cũng ác liệt không kém. Thành phố Dehiba của Tuynidi tiếp tục hứng chịu đạn pháo từ phía Libi khiến nhiều trường học và cư dân ở đây đã phải đi sơ tán. Chính phủ Libi cho biết đó là đạn lạc, đồng thời xin lỗi Tuynidi và đề nghị quân đội Libi đảm bảo không lặp lại sai lầm này.

Tại thành phố cảng Misrata, lực lượng chính phủ đã sử dụng máy bay trực thăng bắn vào các kho chứa dầu gây ra các vụ nổ và cháy lớn. Phe đối lập cho biết những vụ nổ này làm cạn kho nhiên liệu khiến lực lượng này khó khăn trong việc cố thủ tại thành phố này. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Libi Khaled Kaim đã tố cáo lực lượng chống đối âm mưu sử dụng cảng Misrata để tiếp nhận vũ khí từ bên ngoài.

Dương Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN