Ai Cập: Cuộc quyết đấu quyền lực chưa sớm ngã ngũ

Quốc hội đã bị Tòa án Hiến pháp tối cao (SCC) giải tán của Ai Cập, ngày 10/7 đã được triệu tập trở lại trong một động thái thách thức công khai phe quân sự đầy quyền lực của nước này sau sắc lệnh khôi phục hoạt động quốc hội do tân Tổng thống Mohamed Morsi ban hành.


 

Quốc hội Ai Cập nhóm họp trở lại ngày 10/7.

Trong tuyên bố khai mạc được truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Saad al-Katatni cho biết, cuộc họp nhằm "xem xét những phán quyết của SCC". Ông Katatni nhấn mạnh quốc hội "không đi ngược lại phán quyết mà là tìm kiếm một cơ chế cho việc thực thi phán quyết của tòa". Người đứng đầu cơ quan lập pháp đã bị tòa án giải tán cũng khẳng định, quốc hội "tôn trọng luật pháp và các phán quyết của tòa án" và không có nội dung thảo luận nào khác trong cuộc họp này.


Động thái trên diễn ra một ngày sau khi tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, người chỉ mới tuyên thệ nhậm chức được một tuần, ra sắc lệnh khôi phục quốc hội và khẳng định, sắc lệnh này hoàn toàn dựa trên quy định của hiến pháp. Theo sắc lệnh của Tổng thống, cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi hiến pháp mới được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân.


Trong khi đó, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) - lực lượng đã chuyển giao quyền lực cho ông Morsi hồi tháng trước, sau khi ông này đắc cử - đã ủng hộ phán quyết của SCC. SCAF, lực lượng nắm quyền điều hành đất nước từ sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi năm ngoái, nhấn mạnh mọi phán quyết của SCC đều phải được tôn trọng.


Theo kế hoạch, Tổ chức Anh em Hồi giáo, đảng cũ của ông Morsi và là đảng chiếm đa số tại quốc hội bị giải tán, “sẽ tổ chức cuộc diễu hành một triệu người để ủng hộ cho quyết định của Tổng thống và sắc lệnh khôi phục hoạt động quốc hội”. Tổ chức này cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Morsi “không hề mâu thuẫn hay vi phạm phán quyết của SCC”. Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống Ai Cập, ông Yasser Ali lý giải rằng không nhất thiết phải thực thi ngay lập tức phán quyết của SCC, vì quyết định của Tổng thống Morsi đã “tính đến lợi ích cao hơn của nhà nước và nhân dân”.


Theo nhận định của nhà phân tích Mohamed Amiuor, thuộc tạp chí "Á - Phi", các diễn biến tại Ai Cập cho thấy cuộc thử nghiệm khắc nghiệt đầu tiên với tân Tổng thống Morsi đã bắt đầu, và đây là cuộc đấu trí giữa ông Morsi và SCAF. Dù SCAF đã khẳng định quyết tâm hợp tác với chính quyền mới, nhưng những tuyên bố mang tính nguyên tắc này không có ý nghĩa gì đặc biệt. SCAF chắc chắn sẽ không sớm xóa bỏ truyền thống được thiết lập từ lâu ở Ai Cập là quyền lực nằm trong tay quân đội. Như vậy, Tổng thống Morsi sẽ phải tiến hành những bước đi đầy thận trọng, trong đó có tính tới sức nặng của số cử tri đã đưa ông lên đỉnh cao quyền lực, và áp lực của phái Hồi giáo chính thống chiếm 1/4 lượng cử tri. Đó cũng là sức mạnh mà phe quân sự và tư pháp Ai Cập phải kiêng nể.


Trước nguy cơ căng thẳng leo thang giữa quân đội và Tổ chức Anh em Hồi giáo, ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi tất cả các bên tiến hành đối thoại để chấm dứt tình trạng khủng hoảng. Dự kiến cuối tuần này, bà Clinton sẽ tới Cairô gặp Tổng thống Morsi.


T.L - T.H

Ai Cập: Quốc hội triệu tập họp bất chấp phán quyết của tòa án
Ai Cập: Quốc hội triệu tập họp bất chấp phán quyết của tòa án

Ngày 10/7, Quốc hội Ai Cập từng bị Tòa án Hiến pháp tối cao nước này (SCC) giải tán hồi tháng trước đã triệu tập họp trong một động thái được cho là mang tính thách thức Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang (SCAF) và tòa án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN