Ai Cập chia rẽ về tuyên bố hiến pháp mới

Ngày 23/11, trên khắp đất nước Ai Cập đã diễn ra các cuộc tuần hành của các lực lượng ủng hộ và phản đối Tổng thống Mohamed Morsi sau khi Tổng thống bất ngờ ban hành tuyên bố hiến pháp mới, động thái được giới phân tích cho là nhằm mở rộng quyền lực của ông.


 

Giao tranh giữa phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi ở Alexandria ngày 23/11. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Hàng nghìn người phản đối Tổng thống Morsi tối 23/11 đã biểu tình tại Quảng trường Tahir ở trung tâm thủ đô Cairô; trong khi phe ủng hộ, đứng đầu là tổ chức Anh em Hồi giáo, đã tập trung bên ngoài dinh tổng thống ở phía bắc Cairô. Một số cuộc giao tranh đã nổ ra giữa hai phe này.


Hãng tin AFP (Pháp) còn cho biết, một số phần tử quá khích của phe phản đối đã đốt các trụ sở của đảng Công lý và Tự do (FJP - cánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo) ở hai thành phố Ismailiya, Port Said và tấn công trụ sở FJP ở thành phố Alexandria.


Trước đó, tối 22/11, Tổng thống Morsi đã ban hành một tuyên bố hiến pháp mới; theo đó, các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện) và không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 vừa qua cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.


Với quyền hạn theo tuyên bố này, Tổng thống Morsi đã sa thải Tổng Công tố Abdel Meguid Mahmud, người mà ông không thể phế truất hồi tháng trước, và bổ nhiệm ông Talaat Ibrahim Abdallah thay thế.


Cũng trong tối 22/11, Tổng thống Morsi ban hành "Luật bảo vệ Cách mạng ngày 25 tháng Một năm 2011", theo đó khôi phục điều tra các vụ sát hại và âm mưu sát hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak năm ngoái và thành lập một cơ quan công tố "bảo vệ cách mạng" trên toàn quốc với thành phần là các thẩm phán có nhiệm kỳ kéo dài nhiều năm.


Phát biểu trên truyền hình, phát ngôn viên của tổng thống, ông Yasser Ali cho rằng, tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi là nhằm phá hủy cơ cấu tổ chức của chế độ cũ, diệt trừ tham những, bảo vệ đất nước và người dân, đạt được công bằng xã hội. Tuy nhiên, động thái này đã gây ra những phản ứng trái chiều cũng như cuộc tranh luận về quyền hạn của tổng thống và mối quan hệ giữa hành pháp và tư pháp.


Tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng động thái này của Tổng thống Morsi là một "quyết định mang tính cách mạng", đáp ứng "nguyện vọng của nhân dân" thể hiện qua nhiều cuộc biểu tình đòi công lý cho những người bị sát hại trong cuộc cách mạng và xét xử những đối tượng chịu trách nhiệm.


Trong khi đó, các lực lượng đối lập cáo buộc tuyên bố của Tổng thống Morsi nhằm bảo vệ các sắc lệnh của ông khỏi bất kỳ phán quyết nào của tòa án là một “cuộc đảo chính hiến pháp” chống lại các quy tắc pháp quyền và tính độc lập của tư pháp. Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei cảnh báo việc Tổng thống thâu tóm quyền lực "có thể gây ra những hậu quả tàn khốc".


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) - M.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN