75% cán bộ thiếu chuyên môn y tế dự phòng

(Tin tức) - “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng thực tế, ngành y tế dự phòng (YTDP) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí dành cho YTDP chỉ bằng 1/4 kinh phí đầu tư cho hoạt động khám chữa bệnh. Do vậy, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ YTDP chưa tương xứng, việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ YTDP có trình độ vẫn chưa được tiến hành bài bản.

Có một thực tế buồn: Nguồn nhân lực YTDP từ Trung ương đến địa phương đang thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.

Cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ lấy mẫu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cửa hàng ăn uống, đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Thống kê của ngành y tế cho thấy, tại tuyến Trung ương, đội ngũ cán bộ có 1.208 người, mới đáp ứng 77% nhu cầu; tuyến tỉnh có 3.874 người, đáp ứng 54% nhu cầu; tuyến huyện có 7.397 người, đáp ứng 42% nhu cầu. Đáng chú ý là có đến 75% cán bộ YTDP không phải là cán bộ được đào tạo theo chuyên ngành mà là bác sĩ đa khoa hoặc từ ngành khác chuyển sang.

Trong khi đó, đội ngũ YTDP đang phải “gánh” rất nhiều việc, thường xuyên giám sát các ổ dịch cũ, điều tra môi trường, vận động nhân dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, khi có dịch bệnh bùng phát, phải tổ chức điều tra, xác minh tìm nguyên nhân gây dịch, từ đó đề ra các biện pháp bao vây, dập tắt dịch kịp thời, không để dịch bùng phát lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, còn phải tổ chức các điểm tiêm phòng vắcxin, tổ chức phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường…

Nhân lực thiếu và yếu, công việc thì nhiều và vất vả, song thu nhập của cán bộ YTDP lại thấp hơn rất nhiều so với cán bộ y tế làm công tác điều trị. Cử nhân Đoàn Tất Thắng, khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vắcxin và sinh phẩm, Trung tâm YTDP tỉnh Sóc Trăng cho hay: “Nhiều khi đi công tác xa tới 80 km, với phương tiện là xe máy và xe đò; chúng tôi thường đi từ 5 giờ sáng và mãi tối mịt mới về vì phải chờ đến chiều mới phun hóa chất diệt muỗi để đảm bảo kỹ thuật. Lắm khi, mưa gió phải ngủ luôn tại cơ sở, hôm sau mới về. Vất vả, nhưng tiền công tác phí chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu thực tế. Do đó, để cán bộ YTDP yên tâm công tác, cần phải nâng cao chế độ đãi ngộ (hiện nay được phụ cấp thêm 30% lương). Đồng thời cũng cần tuyên truyền thêm về vai trò quan trọng của YTDP”.

Cùng chung nỗi niềm của một người công tác lâu năm trong ngành YTDP, BS Lưu Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin sinh phẩm, Trung tâm YTDP tỉnh Đồng Tháp tâm sự: "Đang có tình trạng chỉ những cán bộ y tế bị kỷ luật ở đơn vị khác mới chịu về YTDP làm. Số cán bộ này chỉ thích ứng dần với công việc khi thấy hết cơ hội chuyển đi đơn vị khác. Việc đi công tác cơ sở cũng ít được cán bộ chủ động (trừ một số đảng viên tâm huyết, tình nguyện cống hiến), phần lớn là chờ được phân công thì mới chịu triển khai. Bởi lẽ, nhiều cơ sở ở xa trung tâm (tới 60 - 70 km) nhưng mỗi ngày đi công tác, anh em YTDP chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng tiền ăn mỗi ngày".

Trưởng phòng tiền nhiệm nơi BS Hà công tác cũng vừa mới chuyển ra làm việc tại bệnh viện tư nhân. “Trưởng phòng cũ là một cán bộ có năng lực, làm việc rất hiệu quả. Nhưng vốn là một BS ngoại khoa nên anh ấy vẫn đam mê với việc trực tiếp khám chữa bệnh và cầm dao mổ. Đó là chưa nói đến thu nhập của cán bộ YTDP chẳng thể nào so sánh được với các bác sĩ điều trị…”, BS Hà trầm tư nói.

Chia sẻ về việc nâng cao năng lực chuyên môn, chị Hà tâm sự rằng rất nhiều cán bộ YTDP mong muốn được tham gia các khóa học đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Hơn 1 năm trước, chị Hà cũng rất lờ mờ về việc làm báo cáo dịch, việc điều hành các nhân viên chống dịch cũng không thực hiện một cách bài bản. Sau khi tham gia khóa học đào tạo dịch tễ học thực địa ngắn hạn, chị mới am hiểu việc làm báo cáo, việc điều hành nhân viên chống dịch cũng hiệu quả hơn.

Cử nhân Đoàn Tất Thắng cũng tâm sự rằng: "Lúc trước, khi được thông báo có ổ dịch sốt xuất huyết thì tôi cứ xách máy đi phun một cách thụ động. Nhưng sau khi được tham gia khóa học đào tạo dịch tễ học ngắn hạn về, tôi đã ứng dụng kiến thức về việc khoanh vùng khu vực bị ảnh hưởng, cũng như việc chọn hướng gió, sau đó, mới tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Hiệu quả công việc nhờ vậy cao hơn…”.

Thực tế này cho thấy, không được đào tạo chuyên sâu nên phần lớn các cán bộ làm công tác YTDP tuyến tỉnh, huyện rất thiếu khả năng phân tích, đánh giá đầy đủ các vấn đề: Tác nhân gây bệnh, các yếu tố nhân lực, nguồn lực, thói quen hành vi, tại sao có nơi chống dịch được có nơi lại không... Đó cũng là lý do vì sao một số vụ dịch (như dịch sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm…) cứ “đến hẹn lại lên”, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hao tốn không ít ngân sách của Nhà nước. Ngay Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cũng “thừa nhận” rằng: "Cán bộ của ta làm được nhưng nhiều khi không phân tích được, báo cáo lắm khi không thuyết phục. Tôi rất buồn vì tại các hội nghị quốc tế không có được những báo cáo một cách bài bản, khoa học”.

Để góp phần cải thiện tình hình này, đại diện Bộ Y tế cho biết, ngành đang xây dựng Đề án đào tạo dịch tễ học thực địa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015. Hy vọng, chương trình đào tạo này sẽ là một điểm nhấn đặc biệt, nâng cao tỷ lệ cán bộ YTDP đào tạo đúng chuyên môn, kịp thời đáp ứng công tác phòng và chống dịch bệnh đang ngày một phức tạp.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN