5 ngày 'rung chuyển' Ai Cập

Năm mốc thời gian đáng nhớ và quan trọng trong lịch sử chính trường Ai Cập năm 2013, dẫn đến việc quân đội nước này phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi ngày 3/7.


Chủ nhật – ngày 30/6/2013


Biểu tình phản đối Tổng thống Mohamed Morsi tại Cairo ngày 30/6. Ảnh: AFP-TTXVN


Hàng triệu người trên khắp Ai Cập đã xuống đường, hô khẩu hiệu phản đối Tổng thống Mohamed Morsi theo lời kêu gọi của phong trào đối lập Tamarod. Tại thủ đô Cairo, đám đông phẫn nộ đã bao vây Phủ tổng thống và Quảng trường Tahrir.


Một nguồn tin từ quân đội nước này cũng phải thừa nhận với hãng tin AFP rằng: “Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Ai Cập”. Cùng ngày, khoảng 25.000 người ủng hộ ông Morsi cũng xuống đường tuần hành. Ít nhất 16 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ngày hôm đó.

 

Thứ hai – ngày 1/7/2013


Những người biểu tình ủng hộ phe đối lập đốt trụ sở của Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày 1/7. Ảnh: AFP-TTXVN



Đám đông biểu tình đã đập phá và phóng lửa đốt Quảng trường Anh em Hồi giáo tại Cairo. Phong trào Tamarod đã gia hạn cho Tổng thống Morsi đến (16 giờ 30 chiều giờ địa phương, tức 21 giờ 30 tại VN ngày 3/7) để từ chức hoặc sẽ phải đối mặt với một cuộc đảo chính công khai.


Cùng ngày, 4 vị bộ trưởng trong Nội các Ai Cập nắm giữ lĩnh vực truyền thông, môi trường, du lịch và tư pháp đã xin từ chức. Sau đó, quân đội nước này đã cho ông Morsi 48 giờ để “làm theo ý nguyện của nhân dân”. Tuy nhiên, chính quyền vị Tổng thống Hồi giáo đã khước từ “tối hậu thư” của lực lượng quân đội cho đến phút chót.

 

Thứ ba – ngày 2/7/2013

 

Xe tăng quân đội Ai Cập án ngữ trên đường phố Cairô. Ảnh: AFP/TTXVN


Tổng thống Mohamed Morsi tổ chức đàm phán với Tổng tư lệnh Abdel Fattha al-Sisi. Cùng ngày, người phát ngôn của tổng thống đã đột ngột rút lui. Các nhóm đối lập đã chọn ông Mohamed ElBaradei, cựu giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử IAEA làm đại diện cho người dân trong buổi đàm phán. Trong ngày, đụng độ giữa những người phản đối và ủng hộ ông Morsi đã khiến 23 người thiệt mạng.

 

Thứ tư – ngày 3/7/2013

 

Chỉ vài giờ trước khi thời hạn yêu cầu từ chức kết thúc, ông Morsi đã đề xuất với phía quân đội và các phe đối lập thành lập một chính phủ đồng thuận để cùng nhau giải quyết “mối căng thẳng” tại Ai Cập hiện nay. Sáng sớm ngày 4/7 theo giờ Việt Nam, quân đội Ai Cập đã đảo chính bằng cách phế truất Tổng thống Mohamed Morsi và đình chỉ Hiến pháp hiện hành. Cảnh sát đã giam lỏng ông Morsi và các vị thủ lĩnh hàng đầu của Tổ chức Anh em Hồi giáo tại những cơ sở bí mật.


Tuần hành ủng hộ Tổng thống Morsi tại Trường Đại học Cairo ngày 3/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Người dân đổ xuống đường ăn mừng sự kiện này trong khí những người ủng hộ Tổng thống lại tấn công các trụ sở an ninh tại phía bắc Ai Cập. 10 người đã thiệt mạng do xung đột đẫm máu.Trong một đoạn phát biểu được ghi âm trước đó, ông Morsi tuyên bố đây là một cuộc “đảo chính” và khẳng định ông mới là “Tổng thống được bầu cử của Ai Cập”.


 Thứ năm – ngày 4/7/2013


Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Adli Mansour đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của Ai Cập. Trong khi đó, đám đông vẫn tiếp tục xung đột trên các tuyến phố. Ít nhất 7 người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi và 3 người phản đối đã thiệt mạng.


Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour (giữa) trong lễ nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN



Hoàng Trang (theo AFP)

 

 

 

Tổng thống lâm thời Ai Cập tuyên thệ nhậm chức
Tổng thống lâm thời Ai Cập tuyên thệ nhậm chức

Ngày 4/7, Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adli Mansour đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của quốc gia Bắc Phi này, một ngày sau khi Tổng thống Mohammed Morsi bị quân đội phế truất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN