3/4 số bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện khi ở giai đoạn cuối

“Mỗi năm, nước ta có trên 15.000 số ca mới được chẩn đoán bị ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong. Nhưng đáng tiếc, có tới 3/4 số bệnh nhân ung thư dạ dày đến Bệnh viện K khi đã ở giai đoạn cuối”, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Liệu pháp trúng đích phân tử trong điều trị ung thư dạ dày”, do Viện Phòng chống ung thư quốc gia phối hợp Hãng Roche tổ chức ngày 19/8, tại Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, tỷ lệ chữa khỏi ung thư dạ dày có thể đạt 100% nếu phát hiện ở giai đoạn 0 (ung thư chỉ khu trú ở lớp niêm mạc). Triệu chứng của giai đoạn này thường là khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không ngon miệng... Đối với ung thư giai đoạn 1 (chưa di căn hạch, chưa qua hết thành dạ dày), tỷ lệ chữa khỏi đạt trên 80%. Ở các giai đoạn muộn hơn, tỷ lệ này sẽ giảm nhiều. “Thế nhưng, người bệnh thường chỉ đến cơ sở y tế khi ở giai đoạn muộn với các triệu chứng: Đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sút cân, xuất huyết tiêu hóa...”, GS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết.

Một khó khăn nữa là hiện nay, việc phải tầm soát bằng chụp X - quang dạ dày hoặc nội soi dạ dày, để phát hiện được ung thư dạ dày giai đoạn sớm, không phải là việc mà cơ sở y tế nào cũng có khả năng. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chưa làm đúng các kỹ thuật nội soi...

Theo các chuyên gia y tế, những người có yếu tố nguy cơ, cần phải tầm soát ung thư gồm: Viêm teo dạ dày, cắt bán phần dạ dày, polyp dạ dày, trong gia đình có người bị ung thư đường tiêu hóa, có triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuyên... Tốt nhất, những người trên 50 tuổi nên nội soi dạ dày tầm soát bệnh trong những đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN