11/100.000 người Việt mắc viêm gan siêu vi

Ngày 28/7, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới (28/7) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Văn Tuân, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ dân số nhiễm viêm gan siêu vi cao. 


Xác định tác nhân gây bệnh gan siêu vi qua hình ảnh chụp cắt lớp. Ảnh: suckhoevang24hn


10 năm gần đây, số mắc viêm gan do siêu vi có chiều hướng tăng nhanh, nhất là từ năm 2009, cứ 100.000 người thì có 11 trường hợp mắc bệnh. Dựa trên các số liệu nghiên cứu về Dịch tễ huyết thanh học, ước lượng có từ 10-25% dân số bị nhiễm siêu vi viêm gan B và 0,4-4,1% nhiễm siêu vi viêm gan C; trong đó, tỷ lệ dương tính với siêu vi B chiếm 80% tổng số mắc viêm gan do siêu vi.


Theo Tổ chức Y tế thế giới, viêm gan do siêu vi được xem là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm có thể làm tử vong 1,5 triệu người trên toàn cầu. Viêm gan do siêu vi là một nhóm bệnh truyền nhiễm gồm viêm gan A, B, C, D và E - gây nhiễm cho hàng trăm triệu người trên phạm vi toàn thế giới. Tất cả các siêu vi này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính. Ngoài ra, siêu vi viêm gan B, C và D còn gây viêm gan mãn tính, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Đối với viêm gan siêu vi B, nhờ có chương trình tiêm ngừa siêu vi viêm gan B (HBV) được triển khai khắp trên toàn cầu nên những năm gần đây số ca nhiễm mới đã giảm mạnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm siêu vi viêm gan C (HCV) lại gia tăng nhanh chóng do chưa có vaccine phòng ngừa. Đây cũng là bệnh dễ lây nhiễm trong cộng đồng, không có triệu chứng giai đoạn đầu mà đến vài chục năm sau khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan. Việc phát hiện bệnh viêm gan siêu vi C quá muộn sẽ gây nhiều khó khăn cho việc điều trị, làm tăng nguy cơ tử vong, trong khi viêm gan siêu vi C là bệnh hoàn toàn có thể chữa trị khỏi nếu phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị phù hợp.


Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng tỷ lệ bệnh viêm gan siêu vi C tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng là do phần lớn người dân chủ quan chưa chủ động tầm soát để tìm ra bệnh. Trong khi đó bệnh nhân ít quan tâm theo dõi bệnh để được điều trị và phòng ngừa lây lan, do đó đã vô tình lây truyền mầm bệnh cho cộng đồng.


Trong ngày Viêm gan thế giới năm nay, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ lại về “kẻ giết người thầm lặng” - viêm gan siêu do siêu vi và cùng nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh này. Đây cũng là cơ hội để ngành y tế và cộng đồng tập trung tăng cường phòng bệnh, sàng lọc, kiểm soát viêm gan do siêu vi và các bệnh, biến chứng do nó gây ra, đồng thời tăng cường số tiêm ngừa vaccine viêm gan B và lồng ghép vào chương trình Tiêm chủng quốc gia và phối hợp ứng phó viêm gan do siêu vi trên phạm vi toàn cầu. Trước đó, trong tháng 4/2014, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành các khuyến cáo mới về điều trị viêm gan C. Đến tháng 5/2014, tại Đại hội đồng Sức khỏe thế giới, 194 quốc gia thành viên đã thông qua Nghị quyết nhằm cải thiện công tác phòng chống, chẩn đoán và điều trị viêm gan do siêu vi.


Hiện nay tại Việt Nam , viêm gan siêu vi là một bệnh trong danh sách các bệnh giám sát và báo cáo của Bộ Y tế. Để tăng cường phòng chống viêm gan, gần đây Bộ Y tế đã thành lập nhóm tư vấn quốc gia để xây dựng hướng dẫn phác đồ điều trị viêm gan C, tăng cường tỷ lệ tiêm chủng viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng quốc gia và thiết lập hệ thống giám sát điểm viêm gan B và C.


Dịp này, từ ngày 28/7 đến 8/8/2014, Bệnh viện Nhiệt đới sẽ thực hiện đợt xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi C miễn phí cho 1.000 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm. Đồng thời, tiếp nhận và tư vấn miễn phí cho những trường hợp phát hiện nhiễm viêm gan siêu vi C tại Phòng tư vấn viêm gan của bệnh viện.


Hứa Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN