12:15 04/12/2010

Tin nhắn

Hễ lần nào người phụ nữ ấy đến quán là cô lại bảo đồng nghiệp để mình bê nước ra hoặc kiếm cớ dọn dẹp ở những bàn xung quanh.

Hễ lần nào người phụ nữ ấy đến quán là cô lại bảo đồng nghiệp để mình bê nước ra hoặc kiếm cớ dọn dẹp ở những bàn xung quanh. Đã thành thói quen, tính tò mò theo bản năng khiến cô luôn tự  hỏi hôm nay cô ta sẽ làm gì và hẹn hò ở đâu, mặc dù biết rằng điều đó là trái với quy định và nếu sếp biết được, chắc chắn ngày hôm sau cô không thể đến chỗ làm việc được nữa. Với khuôn mặt dịu dàng đến nhẫn nại, ánh mắt hơi mệt mỏi nhưng đôi bàn tay thì thoăn thoắt, cô cử nhân ngành mỏ địa chất không gặp thời như sinh ra để làm nghề phục vụ bàn. Ông bà chủ thích cô ngay từ lần gặp đầu tiên và hứa hẹn sẽ cho cô lên kíp trưởng. Nhưng ngót nghét cô phục vụ ở quán cà phê này đã năm năm rồi, những cô gái vào sau đã được tăng lương, chức quản lý đã có người đảm nhiệm, còn cô vẫn ở bước khởi đầu. Dù sao đây cũng là một quán cà phê danh tiếng với hương vị cà phê thượng hảo hạng và những người vào quán, dù ít dù nhiều nếu không phải là người sang trọng thì cũng với mục đích muốn tạo sự sành điệu trong phong cách. Tầng dưới là một cửa hàng thời trang mà giá tiền quần áo tỉ lệ thuận với giá cà phê trên gác. Một chỗ làm tốt, nhiều lần cô tự nhủ như vậy. Tuy công việc hơi đơn điệu nhưng cô đã quá quen với nếp làm việc ấy rồi, quen đến nỗi cô vác luôn cả phong cách làm việc về nhà. Lụi cụi và cô độc như một bồi bàn thực sự. Chỉ khi người phụ nữ trẻ ấy xuất hiện, cô mới thấy trong mình xuất hiện những cảm xúc mơ hồ, lẫn lộn, như thể một cỗ máy bắt đầu nạp tri giác từ những con chíp điện tử. Người phụ nữ đó trạc tuổi cô, nhưng trông trẻ hơn và sau nhiều lần xem xét lại, cô quả quyết rằng nếu mình cũng diện bộ cánh đó thì chưa chắc đám đàn ông đã liên tục đá mắt về mái tóc nhuộm vàng kia. Lần đầu tiên cô mang thực đơn ra và kiên nhẫn chờ đợi. Mái tóc vàng chỉ mải chúi vào những dòng tin nhắn trên chiếc điện thoại nhỏ xíu. Cô ta vừa bấm máy thoăn thoắt, vừa nhấm nhẳng với cô bạn đối diện: “Tối qua có phi vụ hay quá mà hắn trốn mất. Bảo bận nhưng tao đoán mụ vợ lại ì xèo đây”. Cô gái kia có mái tóc đỏ tía hất hàm: “Sao bảo vợ lão không biết?”- “ Ai biết được. Thế nào mà chẳng có lúc hắn để lộ ra. Đi nhiều như thế mà không biết có họa là gà. Nhưng đây chả sợ. Làm thế nào thì làm, không đây nghỉ chơi”. Cô tóc đỏ cười khanh khách: “Thế hắn có sợ không đã? Hay lại dúm vào váy vợ?”. Giờ cô mới nhìn rõ khuôn mặt vừa dứt khỏi chiếc điện thoại. Một vẻ ngây thơ, thánh thiện nhưng đôi mắt thì như bị đặt lạc chỗ. Lúc này chúng càng khó tả hơn vì câu hỏi móc máy của cô tóc đỏ. “Mày xem đây. Gọi lại bây giờ đấy. À quên, cho hai nâu đá”. Cô rảo bước về quầy, lòng cảm thấy khinh thường. “Coi vậy mà đi tranh chồng người khác. Trông thì rõ đẹp mã. Tưởng thế nào”. Và cô nhún vai, vẻ không quan tâm. Tuy nhiên, không hiểu ma lực nào khiến cô cứ thỉnh thoảng lại liếc mắt phía về hai cô gái ấy. Cô tóc vàng có tấm lưng mảnh dẻ, bờ vai để trần đỡ hờ hững những sợi tóc thẳng mượt rất thời trang. Cô chưa bao giờ thử mặc những bộ quần áo kiểu ấy, trông rõ là thiếu đứng đắn, nhưng không hiểu khi cô khoác chiếc áo đó vào, trông sẽ ra sao nhỉ. Điện thoại của cô tóc vàng réo vang “Anh có gì để mà giải thích nữa… Không, tôi không muốn nghe”. Rồi một hồi lâu, cô nhìn bạn mình cười đắc thắng: “Ừ, được rồi, em nghe rồi. Thế bây giờ anh đền gì nào. Tối nhé, OK”. 

Ảnh minh họa. Ảnh: BOP


Từ bận ấy, cô gái tóc vàng đến quán thường xuyên. Mỗi lần với một cô bạn gái khác nhau và qua những câu chuyện nghe lỏm được, cô đủ hình dung ra trọn vẹn về nhân vật vô hình kia: Một gã đàn ông bạc bẽo, thừa tiền, ngu xuẩn và dễ dàng bị xỏ mũi. Hôm trước, khi vác bọc cà phê từ tầng một lên, cô nhìn thấy cô tóc vàng đang thử một chiếc váy viền ren màu đen mà cô nắm rất rõ giá của nó bằng hai tháng lương của cô. Cô bạn bĩu môi: “Sao mày xài sang thế?”. Cô tóc vàng xoay một vòng làm lộ cặp giò thẳng tắp: “Lo gì, hắn còn bảo mỗi tháng sẽ chu cấp cho tao hai chiếc váy như thế này”. Cô quay ngoắt lên gác, cảm thấy tức thở khi phải leo cầu thang. Cô thấy lạ vì mọi khi mình leo băng băng mà chẳng hề gì, lạ hơn khi rất lâu sau cô vẫn thấy tức thở. Cả đời cô chưa dám mơ đến một chiếc váy như thế. Tiền lương, cô chia đều cho các ngày đi chợ và hôm nào hết xoắn hôm ấy. Vậy mà cuối tháng, cô cứ cộng cộng trừ trừ các con số trong một cuốn sổ học sinh, chỉ sợ nhầm lẫn hay lỡ có rơi mất đồng nào khi đi chợ. Khoản tiền ít ỏi anh đưa, cô chi dùng vào điện, nước và các khoản lặt vặt, nhiều nhất vẫn là dành cho con gái. Song chỗ tiền khổng lồ ngốn vào cô con gái bé nhỏ tính ra cũng không đủ mua một mẩu viền ren của chiếc váy đen kia. Chồng cô là kỹ sư xây dựng. Anh đi các tỉnh suốt theo công trình. Người ta vẫn nói rằng nghề xây dựng thời mở cửa là nghề ăn khách, kiếm bộn tiền vì lúc nào cũng có việc. Vế sau thì đúng như vậy thật vì chưa bao giờ cô thấy anh hết việc. Có hôm quá nửa đêm mới về nhà, mệt lả nhưng vẫn không quên hôn vợ và con gái đang say giấc. Nhưng có tiếng mà chẳng có miếng. Nhiều khi cô còn phải dúi thêm khoản tiền thưởng từ những tháng quán đông khách vào túi anh đề phòng đi về đêm hôm lỡ có chuyện gì. Lần nào cũng thế, anh kiên quyết không cầm, nói rằng cô để dành mà bồi dưỡng chứ công việc của cô cũng vất vả lắm. Những lúc như vậy, cô nhìn chồng đầy vẻ biết ơn, cảm tạ Trời Phật đã ban cho mình một người chồng tốt. Và rồi cô thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với chồng bằng nhiều cách, trong đó có một cách ngày nào cô cũng làm. Đó là đúng vào giờ giao ca, khi các nhân viên chuẩn bị về hết và ông chủ cũng đi ăn trưa thì cô lén bớt một chút cà phê thượng hảo hạng vào một chiếc lọ đã chuẩn bị sẵn, để đến sáng sớm hôm sau anh có sẵn một tách cà phê nóng hổi trước khi đi làm. Nhiều năm nay, cô làm việc đó như một phản xạ có điều kiện và  hạnh phúc khi nhìn thấy vẻ mặt mãn nguyện của chồng. Từ một cô sinh viên phơi phới và vô lo, cô đã hoàn toàn trở thành một người đàn bà tính toán và tủn mủn, biết chấp nhận với những niềm vui cỏn con. Có một lần, cô rất phấn khởi vì bọc quà trong túi xách mà cô chuẩn bị mang về cho con gái, hai miếng bánh ga tô đắt tiền mà một cặp trai gái vừa vào quán bỏ lại. Phần lớn những cô gái trẻ đi cùng người yêu vào đây đều õng ẹo. Cà phê và các món ăn nhanh chỉ là cái cớ để họ tán tỉnh nhau. Nhiều lúc cô nửa lộn ruột vì cái vẻ uốn éo của họ, nửa vui mừng vì những gì họ bỏ lại và thầm tiếc rằng giá mình có thể mang hết mọi thứ còn lại về nhà. Nhưng bất chợt, cô tóc vàng kia lại đến, đi cùng một tốp bạn rất đông, với các mái tóc nhuộm đủ màu sắc. Họ khoe nhau những bộ quần áo và đồ trang sức đắt tiền vừa được mua tặng. Cô tóc vàng hất mái tóc để lộ chiếc dây chuyền bạch kim sáng loáng có viên kim cương nhỏ xíu ở giữa “Quà tặng Valentine đấy”. Tự nhiên cô thấy miếng bánh trong túi vô duyên hết chỗ nói và đỏ cả mặt như thể tất cả những người trong quán đều biết cái việc bí mật cô làm hàng ngày. Con người đang sung sướng vì món quà tặng đắt giá cầm ly nước chanh từ trên khay mà không chờ cô đặt xuống uống một hơi hết nửa “Không tặng thì tớ giận chết. Mà có biết hắn lưu tên tớ trong máy là gì không? Cửa hàng gỗ. Để an toàn ấy mà. Lỡ mụ vợ biết được lại rách việc. Còn tớ gọi yêu hắn là gà con”… 

Bẵng đi một thời gian, cô không thấy cô gái tóc vàng và nhóm bạn lui lại quán nữa. Cô cũng biết lý do vì có một lần thấy cô gái ấy phàn nàn “Chẳng hiểu sao khi biết tụi mình hay đến đây, hắn lại không đồng ý. Thôi chiều ý chàng một tí vậy”. Cô cũng quên mất cái vị khách đặc biệt ấy rồi và trở về với công việc thường nhật một cách hài lòng. Hôm nay cô có một niềm vui nho nhỏ: Ngày sinh nhật của anh. Hai mẹ con đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Cô con gái bé nhỏ được tết lại tóc và mặc bộ quần áo đẹp nhất. Còn cô xin về sớm và trích hẳn ba ngày tiền chợ để mua chiếc bánh đắt tiền nhất quán mà ông chủ ưu tiên bán rẻ cho cô. Cô lau chùi lại tấm ảnh cưới và đặt lọ hoa hồng cạnh chiếc bánh gatô có những lớp sôcôla trắng phủ đều trên bề mặt, bồng bềnh như cánh đồng tuyết trong những trang cổ tích thời thơ bé. Anh mở cửa bước vào, tay xách cặp như mọi khi và hơi bất ngờ, lúng túng nhiều hơn khi thấy hai gương mặt quen thuộc ngồi im lặng trong ánh nến. Thấy anh về, hai mẹ con reo lên vui sướng. Anh ôm chặt lấy con gái vào lòng rồi liếc mắt nhìn vợ: “Anh xin lỗi, hôm nay lại có công trình mới”. Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt cô: “Ngay bây giờ? Có kịp ăn cơm không, em nấu xong rồi đấy”. Người chồng khẽ khàng: “Không kịp, nhưng anh sẽ ăn chiếc bánh này thay cơm cùng hai mẹ con rồi mới đi”. Cô vui hẳn lên. Trong lúc chồng tắm, cô vội vàng đi lấy cho anh bộ quần áo đã được là sẵn từ trước rồi lấy dao cắt bánh. Đột nhiên, chiếc điện thoại di động của anh kêu tít tít. Lúng túng với miếng bánh trong tay, cô vội chạy ra giằng lấy điện thoại từ tay con gái vì sợ nó làm hỏng. Hoàn toàn xa lạ với những thiết bị văn minh ấy, cô định cầm vào buồng tắm cho chồng nhưng chợt nhìn thấy hàng tin nhắn trên máy mà cô con gái đã vô tình bấm nút nhận “Gà con. Sao lâu thế. Em đã đặt bánh sinh nhật cho anh rồi. Đến ngay với em nhé cưng”. Cô điên cuồng bấm tới bấm lui và một hàng chữ hiện lên trên màn hình xanh nhạt “Cửa hàng gỗ”. Thốt nhiên, miếng bánh trên tay cô cứng như đá, cứng đến nỗi cô không còn ý niệm được bên nào cầm bánh bên nào cầm điện thoại nữa.

Truyện ngắn của Di Li