10:17 09/10/2014

Tín ngưỡng thờ Neak Ta của người Khmer Nam Bộ

Ở Nam Bộ, người Khmer là một trong những tộc người định cư lâu đời, với những nét văn hóa đặc sắc được giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ở Nam Bộ, người Khmer là một trong những tộc người định cư lâu đời, với những nét văn hóa đặc sắc được giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong đời sống tinh thần, người Khmer tin vào các vị thần bảo hộ gia đình, dòng họ, phum sóc, cuộc sống và sức khỏe con người như Arăk, Neak Ta,…
Neak Ta: “Neak” có nghĩa là người nói chung, còn “Ta” là đàn ông đứng tuổi, Neak Ta thường gọi là ông Tà, vị thần trông coi từng khu vực lớn, nhỏ, từ thửa ruộng đến địa phận phum sóc, bảo hộ cuộc sống và sức khỏe cho con người. Theo quan niệm của người Khmer, Neak Ta là một vị nam thần đứng tuổi, có trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực, tương tự như tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt.

Miếu thờ Neak Ta bằng tre, nền đất của gia đình người Khmer ở Sóc Trăng.



Neak Ta cũng có nhiều loại, tùy theo phạm vi ảnh hưởng, mà người Khmer phân thành Neak Ta của phum, sóc, xóm, rạch,… mỗi Neak Ta thường có miếu thờ. Miếu thờ Neak Ta có nhiều loại: loại đơn giản thường làm bằng tre, lá, nhà sàn hoặc nhà đất, làm dưới gốc cây, nơi ngã ba đường; Loại miếu ở trong khuôn viên chùa thường được xây ở một góc nhỏ hướng Đông Bắc,... Bên trong miếu, thờ hình tượng Neak Ta. Hình tượng Neak Ta là những hòn đá to, nhỏ, hình bầu dục, mặt nhẫn bóng.

Mỗi Neak Ta thường có một tên gọi riêng, tên gọi này thường gắn liền với một truyền thuyết hay một câu chuyện dân gian và lợi ích thiết thực của người dân trong vùng, như Neak Ta Tachhay ở Ao Bà Om, Neak Ta bến đò, Neak Ta Bến Bình An, Neak Tà Wat được thờ ở các khuôn viên chùa như: Chùa Ông Mek (phường 1, thành phố Trà Vinh), chùa Dơi (phường 3, thành phố Sóc Trăng),...

Miếu thờ Neak Ta trong khuôn viên chùa Dơi (phường 3, TP Sóc Trăng).



Mỗi năm vào khoảng tháng 5 dương lịch, thời điểm bắt đầu mùa mưa, người Khmer cúng Neak Ta một lần. Tùy từng nơi và phạm vi ảnh hưởng của Neak Ta, mà việc cúng Neak Ta được tổ chức lớn hay nhỏ. Một số nơi ở Trà Vinh, Lễ cúng Neak Ta được tổ chức từ 2- 3 ngày, có sự tham gia của nhiều người với lễ vật phong phú: 1 đầu heo luộc, 1 con gà, 1 chai rượu, 1 nải chuối xiêm, 1 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay và heo trắng... Đa số người Khmer ở Nam Bộ thường cúng các Neak Ta xóm, rạch, hoặc gia đình với lễ vật đơn giản, như: gà, vịt, bánh trái,… với ý nghĩa cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi...

Ngày thường, các miếu Neak Ta thường yên vắng. Khi bị bệnh hay mong ước điều gì, người Khmer thường đến miếu Neak Ta cầu xin. Khi có những ý kiến bất đồng mà không hòa giải được người ta cũng đưa nhau đến miếu Neak Ta xin chứng giám cho lễ ăn thề.

Miếu thờ Neak Ta có liễn đỏ, ghi chữ Hán ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.



Qua quá trình sống cộng cư giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa,... với sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng Neak Ta của người Khmer đã có sự pha trộn với tín ngưỡng thờ Thần, thờ Quan công của người Hoa. Trong một số miếu thờ Neak Ta, bên cạnh việc thờ những hòn đá tượng trưng cho Neak Ta thì ở phía trước còn một liễn đỏ viết chữ Hán, đôi khi bên cạnh những hòn đá tượng trưng cho Neak Ta, còn có ảnh Quan Công là vị nhân thần rất được người Hoa sùng kính.

Lễ cúng Neak Ta tại Qui Nông A, Hòa Lợi, Châu Thành, Trà Vinh.



Ngày nay, tín ngưỡng thờ Neak Ta một phần đã bị Phật giáo hóa, phần do trình độ nhận thức của con người thực tế hơn, cho nên Neak Ta đối với người Khmer ở Nam Bộ chỉ còn là một phần mờ nhạt của quá khứ.

Bài và ảnh: Ngọc Tú