08:01 02/08/2012

Tìm mô hình quản lý vận hành phù hợp

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân ngày càng cao, quan trọng là xử lý thế nào với những công trình đang bị lãng phí, đồng thời tìm các mô hình quản lý vận hành sau đầu tư phù hợp.

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân ngày càng cao, quan trọng là xử lý thế nào với những công trình đang bị lãng phí, đồng thời tìm các mô hình quản lý vận hành sau đầu tư phù hợp.

 

Bỏ công trình không hiệu quả?


Theo ông Lý Danh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội, hiện nay, dân số nông thôn Hà Nội xấp xỉ 4 triệu người nhưng chỉ mới có 32,75% dân nông thôn được dùng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành.


Giải pháp trước mắt cho các công trình nước sạch bỏ hoang, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị được thanh lý, thu hồi tài sản của 3 công trình: thôn Phương Hạnh (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ), thôn Đoan Nữ (xã An Mỹ- huyện Mỹ Đức) và thôn Kim Tiến (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh). “Bởi vì các công trình này có quy mô quá nhỏ, công nghệ lạc hậu không còn phù hợp thực tế hiện nay. Muốn khôi phục cũng khó”. Với những công trình dang dở còn lại, cần tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tiếp nhận để đầu tư hoàn thiện và khai thác.

 

Với các doanh nghiệp tiếp nhận các công trình đó, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích, ví dụ: được ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 60% kinh phí trên tổng dự toán của dự án được duyệt, được vay vốn ưu đãi, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất xây dựng công trình, được ngân sách nhà nước hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn (cách làm hiện đang áp dụng với nước sạch đô thị)… Hiện nay, với công trình của xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), Sở NN&PTNT Hà Nội đã có hướng giải quyết là giao cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư theo Quyết định 131/2009/QĐ- TTg của Thủ tướng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo quyết định và vay ưu đãi vì chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể, sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý, chỉ đạo thực hiện còn thiếu thống nhất.

 

Phấn đấu 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch


Mới đây, tại cuộc Giao ban trực tuyến với các địa phương triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2012 - 2015, các địa phương đều thừa nhận hiệu quả hoạt động của một số công trình cấp nước tập trung chưa cao và thiếu bền vững. Vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả công trình nước sạch nông thôn sau đầu tư cũng là chuyện đau đầu của rất nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên… Vì kinh phí ít nên việc duy tu bảo dưỡng đều không đảm bảo được yêu cầu.


Theo Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2015, cố gắng đạt đạt tỷ lệ 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày.


Trước mục tiêu này, các địa phương đều kêu khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Địa phương đề nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế chính sách, chúng tôi cũng nêu cao tính tự chủ của các địa phương, nên đề nghị địa phương phát huy sáng kiến và các thành phần kinh tế, phát huy vai trò các đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… cùng Trung ương tham gia tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng”.


Đồng thời lãnh đạo Bộ cũng lưu ý: Cần lựa chọn mô hình quản lý vận hành các công trình sau đầu tư cho phù hợp là việc rất quan trọng, quyết định sự hoạt động bền vững của công trình. Cần chuyển phương thức cung cấp và kinh doanh nước sạch từ phục vụ sang dịch vụ, do các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, từng bước xã hội hóa công tác này.

 

Mạnh Minh