11:13 06/11/2014

Tìm lời giải dân di cư tự do

Thực trạng dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên từ nhiều năm nay không còn là vấn đề mới mẻ và việc giải quyết “vấn nạn” dân di cư tự do đang trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở của các cơ quan chức năng vùng Tây Nguyên.

Thực trạng dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên từ nhiều năm nay không còn là vấn đề mới mẻ và việc giải quyết “vấn nạn” dân di cư tự do đang trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở của các cơ quan chức năng vùng Tây Nguyên.

Nhiều hệ lụy

Theo báo cáo của các địa phương vùng Tây Nguyên, từ sau năm 1975 đến quý I/2014 đã có189.846 hộ (937.564 khẩu) di cư tự do (DCTD) đến Tây Nguyên từ nhiều tỉnh, thành của cả nước, trong đó có khoảng gần 50.000 hộ ở khu vực Tây Bắc di cư vào. Việc dân DCTD kéo đến vùng Tây Nguyên đã làm cho dân số, cơ cấu dân cư và thành phần dân tộc của vùng Tây Nguyên biến đổi nhanh chóng, gây ra không ít khó khăn, bức xúc cho các địa phương có dân DCTD đến.

Di cư tự do gây áp lực cho đất ở, đất sản xuất vùng Tây Nguyên.



Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2005 đến 2014 có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cùng sự nỗ lực của các địa phương nhằm ổn định đời sống của người dân di cư tự do khu vực Tây Nguyên. Trong số những hộ DCTD đến Tây Nguyên, số hộ tự ổn định hoặc được các địa phương bố trí theo quy hoạch, kế hoạch được giao đất ở, đất sản xuất và được nhập khẩu là 166.280 hộ, đạt 87%. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xây dựng, phê duyệt 37 dự án, tổng vốn duyệt 1.930 tỷ đồng để bố trí ổn định 13.968 hộ.

Đến hết năm 2013 số dân DCTD vào khu vực Tây Nguyên đã giảm tới hơn 83%, đến hết quý I/2014 chỉ có 48 hộ. Nhiều hộ dân di cư tự do đã quay về nơi ở cũ sinh sống ổn định. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dân DCTD vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng miền núi Tây Bắc do điều kiện sản xuất ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn khó khăn nên một bộ phận đồng bào DTTS có thể tiếp tục di cư vào Tây Nguyên để sinh sống, cộng với 23.566 hộ trong vùng hiện chưa bố trí ổn định cần sắp xếp vào vùng quy hoạch, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các cấp chính quyền Tây Nguyên trong công tác quản lý hành chính về đất, rừng, nhân hộ khẩu, chính sách xã hội, an ninh trật tự...

Cần những giải pháp lâu dài

Để giải quyết bài toán ổn định dân DCTD cho vùng Tây Nguyên, ngày 18/3/2014 Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Bắc ban hành Kế hoạch 31-KH/BCĐTN-BCĐTB “Về phối hợp nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp giải quyết vấn đề dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên”.

Di cư tự do là một trong những nguyên nhân của tình trạng chặt phá rừng.


Để thực hiện Kế hoạch này, hai Ban Chỉ đạo đã và đang phối hợp với các bộ ngành có liên quan tiến hành khảo sát tình hình dân DCTD ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 333/TB-VPCP về DCTD, ổn định dân cư các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã ban hành Văn bản về việc hỗ trợ kinh phí các dự án đầu tư bố trí dân cư cấp bách.

Ngày 4/9/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1645/TTg-KTTH về việc vốn hỗ trợ cho dự án ổn định dân DCTD xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với số vốn gần 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu hỗ trợ đầu tư các dự án cấp thiết theo kế hoạch năm, thực hiện trong 5 năm, được triển khai từ năm 2015. UBND tỉnh Đắk Nông đang hoàn tất các thủ tục đầu tư theo đúng quy định để thực hiện. Ngày 15/9/2014, Bộ NN&PTNT ban hành văn bản 7405/BNN-KTHT đề nghị các địa phương: Tây Bắc và Tây Nguyên rà soát các dự án bố trí dân cư thực hiện Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020 theo Quyết định 1776/2012/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp thống nhất với các địa phương về danh mục đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kế hoạch vốn năm 2015 và những năm tiếp theo.

Hiện nay các tỉnh đã tiến hành thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện được 335 dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư với tổng kinh phí được duyệt là 8.169 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bố trí theo kế hoạch đến năm 2014 là 2.065 tỷ đồng (mới đáp ứng khoảng 25,2% nhu cầu), vốn còn thiếu cần được tiếp tục đầu tư là 6.104 tỷ đồng. Với đặc thù các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc đều là tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách, nên Bộ NN&PTNT đã đề nghị Trung ương bố trí kế hoạch ngân sách năm 2015 với tổng kinh phí 3.283 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư bố trí dân cư cấp bách, đặc biệt là các dự án bố trí ổn định dân DCTD, dân cư biên giới, dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn. Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ứng trước kế hoạch năm 2015 với tổng kinh phí 547 tỷ đồng cho các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên thực hiện các dự án đầu tư bố trí dân cư nhằm hạn chế dân DCTD.

Để giải quyết vấn đề dân DCTD, theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các địa phương trong vùng cần triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách cho dân DCTD. Tuy nhiên, về lâu dài trong quản lý vấn đề DCTD, cần có sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương với những vai trò khác nhau. Các chính sách hoạt động quy hoạch, quản lý, chương trình hỗ trợ DCTD cần được nằm trong tổng thể hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn nên các chính sách chương trình riêng cho DCTD cần được điều phối chung với các chính sách khác của Bộ NN&PTNT. Cần có sự khuyến khích, hỗ trợ dân DCTD quay trở lại nơi ra đi, ban hành quy chế quản lý dân DCTD để điều chỉnh, ràng buộc các trường hợp di dịch cư đến nhiều địa phương để trục lợi, gây bất ổn trong nhân dân và địa phương khó quản lý.

Trong đó có rà soát, phân loại đối tượng dân DCTD để cấp sổ tạm trú nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ công dân... Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm nhằm sớm ổn định dân DCTD ở cả nơi đi (Tây Bắc) và nơi đến (Tây Nguyên) theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị là: “Nâng cao chất lượng công tác định canh định cư cho đồng bào DTTS tại chỗ và giải quyết tốt vấn đề dân di cư tự do ở cả nơi đi và nơi đến để đến năm 2015 ổn định các buôn làng, cụm dân cư, đưa các vùng dân di cư tự do hòa nhập với sự phát triển của Tây Nguyên”.

Bài và ảnh: Hồng Anh (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên)