11:12 03/11/2011

Tìm lại dấu xưa của ca trù

Cho tới ngày nay, ca trù vẫn có sức sống và khẳng định được vị trí quan trọng của mình không chỉ đối với nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, mà còn đối với nền âm nhạc của nhân loại.

Ca trù là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Bắt đầu thịnh hành vào đầu thế kỷ XV, trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng như không thể tồn tại được, nhưng nhờ có những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo mà cho tới ngày nay, ca trù vẫn có sức sống và khẳng định được vị trí quan trọng của mình không chỉ đối với nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, mà còn đối với nền âm nhạc của nhân loại.

Thăng – trầm ca trù

Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh sự ra đời của nghệ thuật ca trù. Có ý kiến cho rằng ca trù xuất hiện từ thời Lý, có người cho rằng sớm hơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì nghệ thuật ca trù xuất phát từ tục hát cửa đình. Sau một thời kì dài phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, tế Thành hoàng làng thì ca trù đã phát triển đến một mức độ cao hơn và người ta bắt đầu muốn nghe ca trù như một nghệ thuật thưởng thức. Thời Hậu Lê, ca trù đã thịnh hành khắp miền Bắc, đặc biệt là tại kinh đô Thăng Long – Đông Đô.

Mái đình cổ kính làng Đông Ngạc.


Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nhu cầu thưởng thức ca trù đã phát triển mạnh đến mức các giáo phường ở các miền quê kéo nhau ra Kinh thành Thăng Long để mở nhà hát. Các nhà hát ở Hà Nội mọc lên như nấm. Đào kép khắp các nơi kéo về Hà Nội để hát kiếm sống.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, sự xuất hiện của các nhà hát tại Hà Nội đã ghi dấu ấn rất quan trọng. Thứ nhất, đó là bước phát triển của một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp. Thứ 2, nó chứng tỏ sức hội tụ văn hóa rất lớn của Kinh thành Thăng Long. Ông cho biết: “Trong nghiên cứu của tôi suốt 20 năm, tiếp xúc với rất nhiều các danh ca cổ nhạc thì các cụ đều từ các miền quê tụ hội về Thăng Long”.
Mặc dù vậy, ca trù ở Thăng Long - Hà Nội cũng chịu chung số phận với các nơi khác, đó là bị mai một đến nỗi gần như biến mất. Sau khi miền Bắc giải phóng, công chúng quay lưng với ca trù, trong khi đó người hát ca trù ngày càng ít đi. Ngày nay, những người yêu thích và hiểu biết về ca trù còn lại rất ít. Một di sản văn hóa quý báu do cha ông để lại đã vắng bóng trong đời sống văn hóa của người dân Thủ đô.

Vàng son một thuở

Lần theo những tài liệu lịch sử còn ghi chép lại được về ca trù, chúng tôi tìm đến làng Đông Ngạc (tên nôm là làng Vẽ), huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng được gọi là "Làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học. 500 năm trước, cụ Lê Đức Mao, một vị Tiến sĩ thời Lê hay chữ trong làng đã thay mặt các giáp soạn ra chín bài thơ dài để đọc lên lúc thưởng lụa và tiền cho các đào nương trong nghi lễ hát ca trù xưa. Chín bài thơ có tên gọi “Bát giáp thưởng đào văn” hiện vẫn còn được lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Nhà nghiên cứu ca trù Bùi Trọng Hiền cho rằng: Đây là tư liệu chữ viết đầu tiên về ca trù trong kho tàng di sản Hán Nôm của Việt Nam.

Ông Đại (bên trái) đang tìm lại những tư liệu về tục hát ca trù xưa của làng.


Theo như lời giới thiệu của một số người dân địa phương, ông Phan Văn Đại, người đã nhiều năm tìm kiếm, sưu tập những tài liệu lịch sử quý giá của làng Đông Ngạc là người nắm rõ về chín bài thơ này cũng như nghi lễ hát ca trù xưa của làng Đông Ngạc. Men theo con đường làng lát gạch uốn lượn như xương cá, chúng tôi đến với ngôi nhà nhỏ, ẩn sau những hàng cây già cỗi. Vì chúng tôi đến đường đột nên ông Đại phải mất một thời gian để tìm lại những cuốn sách cổ mà ông lưu giữ đã ngả màu thời gian. Ông Đại cho biết: Ngay từ cuối thế kỉ 15, đầu thế kỉ 16, trong các sinh hoạt làng xã ở Đông Ngạc đã có sự góp mặt của ca trù, và nó được diễn ra hết sức quy củ, có phép tắc, lễ nghi.

Ông Đại miêu tả lại tỉ mỉ những quy cách trong một canh hát ca trù xưa: “Vị cầm trịch đánh ba tiếng đại cổ (trống sấm) thì hàng quan viên gọi “ớ đầu”. Cô đầu “dạ” và đến hát mừng lĩnh thưởng. Hàng hương lão và hương trưởng cũng gọi đầu như thế. Xong rồi đến bát giáp. Mỗi giáp phải làm một bài chúc mừng dân dài độ mươi câu, khi gọi đầu thì đọc”.

Ông Mạc bên tấm bia đá tại đình làng.


Ông Đại cho biết thêm: “Các bài thơ này được viết theo thể tự do và nội dung của chúng là hát chúc mừng. Chúc mừng đời sống thanh bình, chúc cho dân ngày càng đông đúc, nhân khang vật phụ”. Không ngần ngại, ông ngâm nga một đoạn trong số chín bài thơ xưa của TS Lê Đức Mao: “Ngày xuân mở hội thanh bình. Đồng dân cầu phước tưng bừng vui thay”. Một không gian xưa cũ, cổ kính hiện ra trong tâm trí tôi, nơi có những ca nương say mê trong từng câu hát mỗi dịp đình đám”.

Làng cổ Đông Ngạc còn nổi tiếng với ngôi đình có kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ 500 năm nay. Có một điều mà không phải ai cũng biết, thậm chí ngay cả với người dân làng Đông Ngạc, đó là cách đây năm thế kỉ, ngôi làng chính là địa điểm hoạt động sôi nổi của các giáo phường ca trù Thăng Long, đặc biệt là trong những dịp lễ hội của làng.

Chúng tôi đã gặp được ông Nguyễn Mạc, 62 tuổi, Thủ từ đình Đông Ngạc. Khi được biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tục hát ca trù xưa của làng, ban đầu ông có ý từ chối, bởi nay có còn lại gì đâu. Nhưng khi thấy sự quan tâm của chúng tôi với văn hóa ông cha, ông lại nhiệt tình trả lời. Theo ông Mạc, hát ca trù của làng còn duy trì đến đầu những năm 20 của thế kỉ 20 nhưng sau đó thì mai một, không còn. “Bây giờ những cụ già của làng dù đã 80 – 90 tuổi nhưng rất ít cụ còn được chứng kiến hoạt động ca trù đó”, ông Mạc tiếc nuối.

Ông Mạc dẫn chúng tôi ra khu vực nhà bia. Trước đây, tại đình Đông Ngạc đã từng tồn tại một trong những tấm bia đá sớm nhất ghi chép về hoạt động biểu diễn ca trù của các giáo phường Thăng Long. Song trước những biến thiên dâu bể của lịch sử, thời cuộc, tấm bia đá xưa nay đã không còn. Những tài liệu ít ỏi còn lưu lại được tại đình làng Đông Ngạc, cũng như những tấm bia thủy tạo, tôn tạo đình vẫn cho ta thấy được hoạt động biểu diễn ca trù xưa.

Ông Mạc cho biết: “Ngày xưa mỗi khi làng có hội hè, đình đám thì đều có ca trù. Đặc biệt vào đầu ngày hội làng hằng năm, tức mùng 9/2 âm lịch, làng lại tổ chức Lễ nhà thánh, sau đó có thị yến thưởng đào, tức là hát thờ ở cửa đình”. Ngày nay, những dịp hội hè của làng Đông Ngạc thường chỉ có hát quan họ. Ca trù thực sự đã vắng bóng trên mảnh đất cố hương của nó.

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”


500 năm đã trôi qua đủ khiến cho vật đổi sao dời. Bóng dáng một ngôi đình oai nghi cổ kính vẫn còn đây, nhưng nghệ thuật ca trù – một thứ vốn gắn bó chặt chẽ với cái không gian đó nay đã không còn nữa. Làng Đông Ngạc, mảnh đất hội tụ biết bao nhân tài đất Thăng Long, đã không còn thấy bóng dáng ca trù.

Dương Nam Hoàng