07:06 23/07/2014

Tìm lại đất diễn cho tuồng

Trong cái khó chung mà các ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống vấp phải do tác động của cơ chế thị trường, thì sân khấu tuồng xem ra còn chịu cái “khó riêng” do không phải có nhiều người hiểu và yêu được bộ môn nghệ thuật bác học này.

Trong cái khó chung mà các ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống vấp phải do tác động của cơ chế thị trường, thì sân khấu tuồng xem ra còn chịu cái “khó riêng” do không phải có nhiều người hiểu và yêu được bộ môn nghệ thuật bác học này.

 

Một cảnh trong vở “Máu lửa ngập thiên trường”, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Ảnh: Minh Đức-TTXVN

 

Không hiểu, khó yêu, nên dẫn tới khán giả của tuồng dường như luôn vắng bóng. Các nhà hát tuồng thường chỉ sáng đèn vài lần trong một năm, chứ không dám tính đến tháng hay tuần. Nghệ sĩ tuồng phần nhiều phải tìm những công việc làm thêm để bảo đảm cuộc sống. Chính vì vậy, theo năm tháng, những diễn viên tuồng cũng dần vợi đi...

 

Vậy làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của tuồng? Làm thế nào để động viên người nghệ sỹ, đặc biệt là các diễn viên trẻ học hỏi, bồi đắp, làm giàu thêm những tinh hoa của cha ông truyền lại, để cho nghệ thuật tuồng mãi được tôn vinh trong nhận thức thẩm mỹ, trong nhu cầu hưởng thụ và tình cảm của khán giả đương đại?

 

Để trả lời những câu hỏi trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã quyết định phối hợp với Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Định tổ chức “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc - 2014”, từ ngày 25 - 30/7/2014, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Bình Định.

 

Tính đến thời điểm cận kề ngày khai mạc cuộc thi, đã có 40 nghệ sỹ trẻ đến từ 6 đơn vị nghệ thuật tuồng trong cả nước đăng ký tham gia; gồm các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát nghệ thuật hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa.

 

Mỗi thí sinh dự thi sẽ biểu diễn một trích đoạn sân khấu tự chọn, phù hợp với sở trường của mình. Mỗi trích đoạn dài không quá 25 phút và phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật tuồng. Trường hợp 2 diễn viên cùng dự thi một trích đoạn thì thời lượng trích đoạn không quá 35 phút.

 

Theo BTC, Hội đồng giám khảo sẽ chỉ chấm điểm tài năng diễn xuất của diễn viên thông qua vai diễn, không chấm trích đoạn. Chính vì vậy, các đơn vị, cá nhân cần lựa chọn những trích đoạn có đầy đủ chất liệu để diễn viên bộc lộ tài năng bằng kỹ thuật diễn xuất; khắc họa rõ tình cảm, tâm lý, tính cách nhân vật bằng trình độ biểu diễn điêu luyện mang tính chuyên nghiệp cao, gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem; bộc lộ rõ khả năng “Thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” của diễn viên kịch hát.

 

Hiện tại, công tác tổ chức và công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Bình Định - nơi diễn ra cuộc thi đã được trang bị thêm âm thanh, ánh sáng, đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị tham gia dự thi. Rất nhiều băng rôn, tờ phướn đã được treo tại các trục đường chính của thành phố. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định còn có xe lưu động, đi đến các trường học, cơ quan, khu dân cư để quảng bá về cuộc thi, nhằm thu hút tối đa lượng khán giả tới tham dự.

 

Tối 25/7, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Bình Định, chương trình khai mạc sẽ diễn ra ấn tượng với sự tham gia của trên 100 diễn viên đến từ Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn dân ca kịch Bài chòi Bình Định. Tiếp sau đó là phần biểu diễn dự thi của 4 diễn viên: Nguyễn Đức Thành với trích đoạn “Kim Lân thượng thành”, Trần Thị Gái với trích đoạn “Chung Vô Diệm thám du địa huyệt” (Nhà hát tuồng Đào Tấn); Lê Thị Thúy Hường với trích đoạn “Kỷ Lan Anh sinh hạ”, Nguyễn Thị Giang với trích đoạn “Nguyệt Cô hóa cáo” (Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa). Chương trình bế mạc và trao giải sẽ diễn ra vào tối 30/7, cũng tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Bình Định. BTC sẽ trao HCV, HCB cho cá nhân diễn viên đạt giải. Số lượng giải thưởng sẽ không vượt quá 35% tổng số diễn viên tham dự cuộc thi, trong đó số lượng HCV không vượt quá 35% tổng số cơ cấu giải thưởng.

 

A.M