09:17 29/09/2012

Tìm kiếm công nghệ mới sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Cầu Thăng Long bắc qua Sông Hồng, công trình thế kỷ ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, được khởi công năm 1974 và hoàn thành cuối năm 1985.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, cầu Thăng Long có cấu tạo đặc biệt, trải bê tông trên bản thép. Đây là công nghệ xây dựng phức tạp không có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Cầu Thăng Long đã được khai thác khá lâu nên việc đảm bảo bê tông dính bám với bản thép đòi hỏi có nhiều công nghệ mới.

Mặt cầu Thăng Long nhiều chỗ đã xuống cấp.


Trong buổi trả lời các cơ quan truyền thông ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông vận tải đang xin ý kiến Chính phủ cho phép nghiên cứu tổng thể lại toàn bộ cầu Thăng Long, bao gồm mặt cầu.


Cầu Thăng Long bắc qua Sông Hồng, công trình thế kỷ ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, được khởi công năm 1974 và hoàn thành cuối năm 1985. Cây cầu nối liền các tỉnh phía Bắc, sân bay quốc tế Nội Bài với Thủ đô Hà Nội.


Gần ba chục năm trôi qua, cầu góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội.


Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, hiện tượng lún nứt, bong tróc đã liên tục xảy ra mặc dù các giải pháp công nghệ được Bộ Giao thông liên tục đưa ra nhằm cứu vãn bề mặt của cầu.


Tại cuộc họp báo chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ đang tập trung tìm kiếm công nghệ mới để sửa chữa, tuy nhiên do cầu Thăng Long làm bằng giầm thép, qua nhiều năm bị biến động lớn về độ võng, nên Bộ GTVT cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu tổng thể lại toàn bộ cây cầu này.


Mới đây, Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xin chủ trương sử dụng vốn vay Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu, thực hiện sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.



Trước mắt, các bên liên quan sẽ sử dụng vốn của Hiệp định vay lần 2 của Dự án để giao tư vấn Dự án (KEI) tiến hành nghiên cứu xác định nguyên nhân hư hỏng, sơ bộ đề xuất giải pháp công nghệ khắc phục và ước tính chi phí sửa chữa trong tháng 10/2012 (khoản kinh phí nghiên cứu này sẽ được bù trả trong hiệp định vay thứ 3 cho Dự án).


Dự kiến nguồn vốn sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ được lựa chọn 1 trong 2 phương án sau trên cơ sở kết quả nghiên cứu . Theo đó, nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long không quá phức tạp, có thể sửa chữa trong thời gian ngắn, hoàn thành được trước tháng 6/2016 thì JICA sẽ xem xét báo cáo Chính phủ Nhật Bản cho sử dụng vốn dư Dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2.



Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phức tạp, JICA sẽ xem xét sử dụng vốn Hiệp định thứ 3 Dự án tín dụng ngành Giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia như một hạng mục mới của Dự án tín dụng ngành cải tạo mạng lưới đường quốc gia.


Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, cầu Thăng Long có cấu tạo đặc biệt, trải bê tông trên bản thép. Đây là công nghệ xây dựng phức tạp không có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Cầu Thăng Long đã được khai thác khá lâu nên việc đảm bảo bê tông dính bám với bản thép đòi hỏi có nhiều công nghệ mới.


Trong thời gian qua, Bộ đã mời các chuyên gia nước ngoài từ Hàn Quốc, Singapore… và các chuyên gia cao cấp trong nước để đưa ra công nghệ làm mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên qua một thời gian sử dụng, mặt cầu Thăng Long tiếp tục xuất hiện vết nứt, điều đó cho thấy công nghệ mặc dù trước đó nghiên cứu rất kỹ nhưng vẫn không phù hợp với điều kiện, khai thác, thời tiết khí hậu của Việt Nam , cho nên sau khi đưa vào sử dụng Bộ đã giao cho một đơn vị trực tiếp thi công bảo hành và sửa chữa, nhưng qua nhiều lần bảo hành sửa chữa, một giải pháp tốt nhất cho mặt cầu Thăng Long vẫn chưa tìm ra được.


Theo chinhphu.vn