09:16 27/09/2014

Tìm hiểu Ngày Du lịch thế giới

Ngày 27 tháng 9 được Tổ chức Du lịch Thế giới chọn là Ngày du lịch thế giới.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu tất yếu của xã hội. Đây không những là ngành kinh tế mũi nhọn của các quốc gia mà còn là cầu nối giao lưu giữa các dân tộc, quốc gia và các miền trong một đất nước. Ngày 27 tháng 9 được Tổ chức Du lịch Thế giới chọn là Ngày du lịch thế giới.

Vịnh Hạ Long hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp quyến rũ và kỳ bí. Ảnh: Tiến Dũng/TTXVN.


Du lịch ngày nay đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt xã hội, làm cho đời sống xã hội ngày một phong phú hơn, lý thú và bổ ích hơn. Du lịch đã trở thành một ngành mũi nhọn, chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế. Du lịch còn giúp xóa đói, giảm nghèo ở những vùng sâu vùng xa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Du lịch thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế. Khách du lịch luôn mong muốn có được một trải nghiệm mang tính tổng thể. Việc đến thăm các tượng đài tưởng niệm, các viện bảo tàng hay các di tích văn hóa có thể khiến mong muốn này trở thành hiện thực. Các hoạt động như giải trí, thể thao, âm nhạc, khiêu vũ, hội hè, thám hiểm, nấu ăn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục hay các hoạt động liên quan đến kinh tế có thể làm giàu kinh nghiệm và vốn hiểu biết cho du khách. Nhu cầu đi du lịch đang ngày càng tăng cùng với những tiến bộ hiện đại về giao thông, truyền thông và những cải thiện chung về an sinh kinh tế.

Hàng năm, trên thế giới có hàng trăm triệu người đi du lịch và đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như các quốc gia có lợi thế trong lĩnh vực này. Theo thống kê của Tổ chức Du Lịch Thế giới, năm 1995, số người đi du lịch quốc tế là 534 triệu người, và năm 2000 là 682 triệu người. Con số này tăng nhanh chóng, sẽ lên tới 1 tỷ 561 triệu người vào năm 2020.

Trong khi đó, các loại hình du lịch cũng ngày càng phát triển phong phú như:

Du lịch sinh thái gắn với vấn đề phát triển bền vững trong du lịch, có ảnh hưởng lớn tới việc “xanh hóa” ngành du lịch, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phúc lợi của cộng đồng địa phương.

Du lịch nông thôn góp phần giảm nghèo thông qua phát triển ngành nghề ở nông thôn, nông nghiệp sinh thái; bảo tồn di sản và môi trường. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đã coi đây là một trong những loại hình du lịch phát triển mũi nhọn.

Du lịch MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác. Các đoàn khách MICE thường rất đông, chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch ở các nước.

Du lịch sức khỏe, dựa trên cơ sở khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc giúp cho con người phục hồi sức khỏe sau những ngày làm việc mệt mỏi, những căng thẳng thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.

Du lịch thiền được ưa chuộng tại các nước có nhịp độ phát triển đô thị cao. Ngày nay, nhiều người tìm đến với loại hình du lịch thiền để thoát khỏi những căng thẳng của đời sống thường ngày, tìm ra được những điều chân, thiện, mỹ của thế giới và từ đó có thái độ tốt đẹp hơn với cuộc sống, thiên nhiên và con người.

Vào Ngày Du lịch thế giới mỗi năm, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đều đưa ra các chủ đề khác nhau, góp phần kích thích sự phát triển đúng hướng của các công ty du lịch, khách du lịch và các chính quyền địa phương.

Ngày Du lịch Thế giới năm 2014 được UNWTO lựa chọn chủ đề “Du lịch và Phát triển cộng đồng” nhằm tập trung đến tiềm năng mà du lịch có thể mang lại để thúc đẩy các cơ hội mới về kinh tế- xã hội và sinh kế tốt hơn đối với các cộng đồng trên toàn thế giới, mặt khác nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Trong thông điệp nhân Ngày Du lịch thế giới 2014, Tổng Thư ký UNWTO, Taleb Rifai nhấn mạnh “mỗi khi đi du lịch, chúng ta sử dụng các phương tiện vận chuyển tại điểm đến hay mua các sản phẩm của người dân bản địa tức là chúng ta đã đóng góp vào chuỗi giá trị góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại lợi ích cho cộng đồng cũng như mang đến cho người dân địa phương những cơ hội mới với một tương lai tốt đẹp hơn”.


Trung tâm Thông tin Tư liệu