08:10 07/08/2014

Tìm giải pháp nâng sức cạnh tranh cho cá tra Việt Nam tại thị trường châu Âu

Từ năm 2010 tiêu thụ cá tra của Việt Nam ở EU có xu hướng giảm mạnh, trong đó năm 2012 giá trị xuất khẩu giảm 19% so với năm 2011, năm 2013 giảm 9% so với năm 2012.

Trước thực trạng xuất khẩu cá tra sang thị trường EU giảm mạnh trong những năm gần đây, vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã phối hợp cùng Diễn đàn cá tra Việt Nam, các đối tác của SUPA hợp tác với Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) tổ chức Diễn đàn Cá tra Việt Nam với chủ đề “Phát triển bền vững cá tra tại thị trường châu Âu”.

 

Xuất khẩu giảm mạnh

 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, đến nay cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 150 nước và vùng lãnh thổ với doanh thu trên 1,8 tỷ USD/năm, trong đó thị trường EU chiếm 21% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, từ năm 2010 tiêu thụ cá tra của Việt Nam ở EU có xu hướng giảm mạnh, trong đó năm 2012 giá trị xuất khẩu giảm 19% so với năm 2011, năm 2013 giảm 9% so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 cũng giảm 9% giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý là Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức là các nước nhập khẩu chính cá tra Việt Nam đã giảm nhập khẩu trung bình khoảng 14.300 tấn cá tra trong 3 năm qua.

 

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Theo ông Hòe, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu sang EU sụt giảm như khủng hoảng kinh tế tại EU; cạnh tranh từ các loài cá thịt trắng khác; thông tin bôi nhọ về sản xuất cá tra...  Bên cạnh đó, Vasep thừa nhận trong những năm qua chúng ta chưa có biện pháp và giải pháp hiệu quả và đồng bộ để giải quyết vấn đề của ngành.

 

Phân tích những hạn chế của cá tra Việt Nam tại thị trường EU thời gian qua, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường lớn đối với cá thịt trắng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều đơn hàng cá tra từ EU do có quy  mô nhỏ bé, năng suất lao động thấp, hạn chế về tài chính. Cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế. Mặt khác, doanh nghiệp thâm nhập thị trường còn thụ động, phụ thuộc nhiều vào đối tác EU. Hệ thống phân phối cá tra tại EU còn mới, mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên cá tra hầu như chưa trực tiếp bán cho người tiêu dùng mà phải qua trung gian hoặc nhà chế biến thủy sản EU.

 

Còn nhiều cơ hội để phát triển

 

Đánh giá về khả năng mở rộng thị phần cá tra Việt Nam vào EU, ông Trương Đình Hòe cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội. Theo phân tích của Tổng thư ký Vasep, các nước EU phụ thuộc 65% vào nguồn thủy sản nhập khẩu, trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự kiến, tiêu thụ bình quân thủy sản tại EU sẽ tăng từ 22 lên 24 kg/người/năm. Vì vậy, EU vẫn là thị trường quan trọng cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Hơn nữa, cá tra là sản phẩm phổ biến được ưa chuộng ở thị trường EU.

 

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, hiện ngành cá tra Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng từ thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Trong đó, xu hướng phát triển bền vững sẽ là tất yếu. Chẳng hạn như ngành sản xuất chế biến cá tra đáp ứng tốt yêu cầu về an toàn thực phẩm và trách nhiệm môi trường. Ngày càng nhiều ao nuôi đã áp dụng và có chứng nhận bền vững theo các yêu cầu từ các khách hàng, trong đó VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) sẽ là quy định bắt buộc trong nuôi cá tra với các quy định về phát triển bền vững tương đương GlobalGAP, ASC…

 


Để đảm bảo cho phát triển cá tra bền vững tại Việt Nam, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra với những quy định về chất lượng cá tra xuất khẩu, quy hoạch... Trong đó có nhiều quy định mới như: đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam; quy định về điều kiện chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến; cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội cá tra Việt Nam xác nhận....

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, những nỗ lực từ cơ quan nhà nước trong nâng cao hình ảnh cá tra Việt Nam như: tái cơ cấu ngành hàng, nâng cao chất lượng giống, xây dựng quy hoạch, nghiên cứu khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng… Trong đó, sắp tới, quy hoạch khâu nuôi trồng theo hướng không tăng diện tích và sẽ có đăng ký nuôi, cấp mã số. Trong tháng 8 này, Tổng cục sẽ trình quy hoạch nuôi trồng để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch tại địa phương.

 

Ngoài ra, ông Lê Xuân Thịnh, công tác tại Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam cho biết, hiện tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam do EU tài trợ. Hiện dự án đã và đang thực hiện hàng loạt khóa đào tạo cho doanh nghiệp, hộ nuôi về các chứng nhận bền vững. Với dự án này, mục tiêu  đặt ra là đến năm 2020, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.


Đến khi kết thúc dự án, ít nhất 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ về sản xuất và chế biến, 30% doanh nghiệp chế biến thức ăn và các vùng nuôi cá tra của vùng ĐBSCL độc lập, chủ động thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ít nhất 50% doanh nghiệp chế biến cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp với tiêu chuẩn bền vững ASC (chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm), GlobalGAP cho thị trường EU và các thị trường khác.

 


Liên Phương