01:18 30/01/2012

Tìm giải pháp giám sát chất lượng công trình xây dựng

Các chuyên gia Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng hiện nay, cũng như đưa ra các giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Các chuyên gia Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng hiện nay, cũng như đưa ra các giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Những con số “giật mình”

“Có trên 50.000 công trình xây dựng được triển khai trên cả nước năm 2011, nhưng những bất cập trong phân cấp quản lý khiến các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra chất lượng được khoảng 10% số công trình xây dựng hàng năm”- ông Phạm Tiến Văn, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – nêu thực tế.

Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp tại lô đất NO5-B, khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đang được xây dựng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Theo ông Văn, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước về công trình xây dựng (CTXD) ngày càng được hoàn thiện, cơ bản phủ kín trên tất cả các lĩnh vực quản lý chất lượng. Điều này góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về CTXD nói chung và công tác quản lý nhà nước về chất lượng CTXD nói riêng có những chuyển biến. Ví dụ, năm 2011, các công trình được kiểm tra cơ bản đảm bảo về chất lượng, số lượng công trình có sự cố chiếm khoảng 0,3%. Không có sự cố xảy ra đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I. Công tác quản lý chất lượng CTXD của các dự án có quy mô vừa và lớn (từ nhóm B trở lên) về cơ bản được thực hiện nghiêm túc.

Con số 0,3% CTXD bị sự cố về chất lượng có lẽ rất “đáng yên tâm” trong khoảng hơn 50.000 công trình triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, số lượng công trình được kiểm tra hàng năm chỉ chiếm khoảng 10% tổng số công trình đang thi công. Điều này có nghĩa rằng còn tới 90% công trình xây dựng trong số tổng số hơn 50.000 công trình triển khai trong năm qua chưa được “sờ” tới vấn đề chất lượng! Như vậy, nếu được kiểm tra chất lượng, liệu số lượng công trình có sự cố về chất lượng có dừng ở tỉ lệ 0,3%?

Theo Cục Giám định, các CTXD nhóm C là nhóm yếu nhất về công tác quản lý chất lượng CTXD. Đó là hàng loạt các dự án nhà ở tái định cư từ các đô thị đặc biệt, các khu kinh tế trọng điểm đến các tỉnh miền núi... cùng chung một thực tế là chất lượng kém; các dự án giao thông… chưa sử dụng đã xuống cấp. Ngay tại Hà Nội, chất lượng nhiều dự án nhà tái định cư, khu tái định cư cũng gây bức xức cho người sử dụng. Các CTXD nhóm A (d, e, f), B tại Hà Nội như cầu Thăng Long, Vĩnh Tuy, Công viên Hòa Bình, đường cao tốc Láng – Hòa Lạc… cũng đều có những ý kiến phàn nàn về chất lượng.

Từ nguyên nhân, ra giải pháp

Theo các chuyên gia xây dựng, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là vấn đề đảm bảo chất lượng xây dựng phải luôn gắn liền với đảm bảo an toàn thi công xây dựng. Nhưng ở nước ta hiện nay, chưa có sự quản lý thống nhất trong lĩnh vực này. Do đó, khi công trình xảy ra sự cố liên quan đến an toàn trong thi công, chất lượng có vấn đề thì việc phân định trách nhiệm xử lý vụ việc đối với các bên liên quan không rõ ràng.

Ông Lê Hữu Trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn giám sát và kiểm định xây dựng CONINCO cho rằng, chất lượng CTXD kém chủ yếu do công tác quản lý nhà nước còn bất cập. Đơn cử như khâu lựa chọn nhà thầu, cơ quan chủ quản không đủ thông tin để đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu khi tham gia xây dựng các công trình. Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư cũng bị xem nhẹ. Quy định về chủ đầu tư cũng vậy, dù không đảm bảo năng lực vẫn được giao làm chủ đầu tư CTXD, tất sẽ dẫn đến công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng không đảm bảo.

Giải pháp cho các vấn đề trên, các chuyên gia Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nhà nước CTXD trong chương trình tổng thể đổi mới cơ chế quản lý đầu tư thì cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia CTXD (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn quản lý dự án…).
Thứ hai, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin về năng lực nhà thầu, gói thầu và đánh giá nhà thầu làm cơ sở cho công tác lựa chọn tham gia vào xây dựng công trình, dự án.

Thứ ba là, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng đồng bộ, đầy đủ và phủ kín các lĩnh vực hoạt động xây dựng. Xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động xây dựng phù hợp với thực tiễn, từ tư vấn, thiết kế, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công, triển khai thi công…
Thứ tư là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ thể tham gia xây dựng công trình trong việc tuân thủ các quy định về chất lượng CTXD.

Nhưng muốn công tác kiểm tra, giám sát chất lượng CTXD có hiệu lực, hiệu quả phải phân giao trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng cho các đơn vị chức năng ở các cấp. Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh, mang tính răn đe, phòng ngừa cao và đồng thời phải xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về chất lượng CTXD mới đảm bảo tính khả thi đưa việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng CTXD vào nề nếp.

Xuân Hương