04:09 29/04/2012

Tìm di ảnh liệt sĩ trong hồ sơ mật chế độ ngụy - Sài Gòn

Hình ảnh của các liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến là một hiện vật kỷ niệm quý báu cho gia đình họ. Cục Hồ sơ an ninh - Bộ Công an đã trở thành địa chỉ tìm đến của rất nhiều người thân các liệt sĩ trong cả nước.

Hình ảnh của các liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến là một hiện vật kỷ niệm quý báu cho gia đình họ. Cục Hồ sơ an ninh - Bộ Công an đã trở thành địa chỉ tìm đến của rất nhiều người thân các liệt sĩ trong cả nước. Để lưu giữ hồ sơ, hình ảnh và tài liệu được các chiến sĩ Cục Hồ sơ an ninh đã tiếp quản, truy tìm từ nhiều nguồn: Các trại tù, trại giam ở miền Nam, nhất là trại tù Côn Đảo.Việc giúp đỡ cho các gia đình thân nhân liệt sĩ tìm được di ảnh được đơn vị coi đây là nghĩa vụ, là chính sách đối với gia đình cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến của dân tộc.

Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo có nhiều mộ chiến sĩ vô danh được xác định tên và nhân thân qua hồ sơ an ninh.


Đã có nhiều thân nhân của những liệt sĩ chiến sĩ cách mạng đã tìm được di ảnh qua nguồn lưu trữ của Cục. Chị Lâm Thị Tưởng (56 tuổi) nhà ở đường Hồ Văn Huê - Phú Nhuận (TP.HCM) có cha bị giặc Pháp xử tử ngay khi chị mới sinh. Chị chưa biết mặt cha mình, chỉ nghe mẹ và người thân kể lại về người cha là liệt sĩ Lâm Văn Thảnh, cán bộ tiền khởi nghĩa năm 1945 (quê ở Bạc Liêu). Chị đã đi tìm di ảnh cha khắp nơi, mất hàng chục năm để có ảnh thờ cúng cha nhưng không có. Cuối cùng chị đã tìm đến Cục Hồ sơ an ninh và 3 ngày sau, các chiến sĩ Cục Hồ sơ an ninh đã cung cấp cho chị di ảnh của cha để thờ. Chị đã không sao cầm được nước mắt và òa lên khóc khi các chiến sĩ an ninh đưa cho chị di ảnh cha mình.

Trường hợp khác là anh Phạm Văn Thừa tìm ảnh cha là Phạm Văn Yên. Cha anh tham gia cách mạng, hoạt động ở vùng Tây Ninh, bị giặc bắt xử tù đày đi biệt xứ, tra tấn dã man và chết tại Côn Đảo. Lúc đó anh mới 3 tuổi, chưa nhớ rõ mặt cha mình. Với sự giúp đỡ của Cục Hồ sơ an ninh, anh đã tìm được di ảnh và biết ngày hy sinh chính xác cũng như sơ đồ mộ chí tại Côn Đảo. Lúc nhận được di ảnh của cha và kết quả trả lời của chiến sĩ Cục Hồ sơ an ninh, anh xúc động khóc. Và cũng qua nguồn tài liệu thông tin do Cục Hồ sơ an ninh cung cấp, anh đã quy tập hài cốt cha vào nghĩa trang liệt sỹ. Nhiều trường hợp khác bị giặc bắt tù đày ra Côn Đảo không có di ảnh hay ngày hy sinh, cũng được các chiến sĩ Cục Hồ sơ an ninh cung cấp như trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng Xuân - có cha là liệt sĩ Nguyễn Văn Cao, bị địch tra tấn dã man và hy sinh tại Côn Đảo.

Gia đình anh Trần Văn Hiện cũng đã tìm được di ảnh của cha là liệt sĩ Trần Văn Ngạn, với sự giúp đỡ của Cục hồ sơ An ninh. Anh Hiện kể: "Sau giải phóng miền Nam, mẹ tôi có nguyện vọng tha thiết là có một tấm di ảnh của cha tôi để thờ và cũng để anh em tôi có thể biết mặt cha, vì lúc cha hy sinh tất cả còn rất nhỏ, nên không thể nhớ mặt cha”. Theo nguyện vọng của người mẹ, tất cả anh chị em của anh Trần Văn Hiện đã đi tìm di ảnh của cha ở rất nhiều nguồn, nhưng đều không tìm thấy. Cho tới khi được Tổng cục cảnh sát phía Nam hướng dẫn, cả gia đình đã tới Cục hồ sơ An ninh. Trong thời gian ngắn, các chiến sĩ của Cục đã có thông tin về liệt sĩ Trần Văn Ngạn, và sau đó gia đình đã tìm được di ảnh của ông. "Anh chị em chúng tôi, đến lúc ấy có người đã 40 tuổi mới biết mặt cha, xúc động rơi nước mắt. Ngày đưa di ảnh cha về quê thờ, anh chị em chúng tôi đều có mặt đầy đủ"- anh Hiện kể.

Và cũng chỉ với sự giúp đỡ của các chiến sĩ Cục hồ sơ An ninh, gia đình anh Trần Văn Hiện mới biết rõ về quá trình hoạt động của người cha đã hy sinh- một cán bộ công tác thành, hoạt động tại tỉnh Cà Mau. "Theo hồ sơ này, cha tôi đã không chịu khai báo gì khi bị địch bắt, mà khôn khéo đấu tranh với địch từng câu, từng chữ, khiến chúng không thể moi được thông tin và cũng không thể kết tội được ông"- anh Hiện kể.

Anh Chu Quí Phượng, Trưởng phòng 5, Cục Hồ sơ an ninh - Tổng cục II - Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Cán bộ chiến sĩ của phòng sẵn sàng phục vụ tìm di ảnh cho nguời thân để thờ cúng và coi đây là nhiệm vụ của chiến sĩ an ninh và trách nhiệm đối với những gia đình có công với Tổ quốc. Ngoài công tác chính, các chiến sĩ Cục Hồ sơ an ninh xác định tìm di ảnh cho người thân để thờ cúng qua các thời kỳ kháng chiến là một nhiệm vụ “đền ơn đáp nghĩa” của từng chiến sĩ và của ngành an ninh nhân dân.

Bài và ảnh: Trần Quốc Thái