08:16 16/08/2012

Tìm cách quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Tăng cường phối hợp giữa các địa phương và đề xuất các giải pháp phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý và sự phát triển bền vững của ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam là chủ đề của cuộc hội thảo do Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Amway Việt Nam tổ chức ngày 16/8.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương và đề xuất các giải pháp phối hợp hiệu quả hơn trong công tác quản lý và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam là chủ đề của cuộc hội thảo do Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Amway Việt Nam tổ chức ngày 16/8.

Các diễn giả tại hội thảo cho rằng: Bán hàng đa cấp (BHĐC - còn gọi là bán hàng trực tiếp) là một phương thức tiếp thị trực tiếp để bán lẻ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới nhà phân phối.

Đây là mô hình kinh doanh tiên tiến, đang phát triển mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình BHĐC đã được pháp luật thừa nhận. Tuy chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm qua, mô hình này đã phát triển đáng kể và thu hút hơn 1 triệu người tham gia.

Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp Ngô Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Muaban24. Ảnh: dantri.com.vn


Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục trong việc triển khai mô hình kinh doanh, đào tạo và phát triển mạng lưới nhà phân phối, nhằm đảm bảo việc tuân thủ đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử và các quy định của pháp luật để mô hình này phát triển lành mạnh, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Ông Phan Đức Quế, Trưởng ban Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Cục Quản lý Cạnh tranh nêu bật thực trạng của BHĐC tại Việt Nam với 51 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng thời trang, đồ gia dụng, dụng cụ trang điểm, dụng cụ tập thể thao, thiết bị vật lý trị liệu...

Ông cũng nêu rõ mặt trái của BHĐC đối với người tiêu dùng là mua bán tại nhà, hạn chế lựa chọn, thông tin truyền miệng, khó khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm còn người tham gia thì dễ bị lừa đảo bởi BHĐC bất chính.

Những giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu những tiêu cực của phương thức BHĐC là cần hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý BHĐC; tăng cường quản lý, giám sát và xử lý vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

Đại diện các Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng… cũng nêu bật thực trạng quản lý hoạt động BHĐC ở từng địa phương và nêu lên những kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, phối hợp giữa Cục Quản lý Cạnh tranh, Cục Quản lý Thị trường và các ngành hữu quan trong việc quản lý hoạt động BHĐC của các doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề quản lý hoạt động BHĐC; bổ sung các quy định về quản lý hoạt động BHĐC…


Hà Huy Hiệp