04:08 03/04/2011

Tiết kiệm năng lượng - cần sự hợp tác của cả cộng đồng!

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong 5 năm qua Chương trình đã tiết kiệm được 56,9 tỷ kWh (tương đương hơn 35,2 triệu thùng dầu thô), khoảng 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước.

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn I (2006-2010) diễn ra ngày 25/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong 5 năm qua Chương trình đã tiết kiệm được 56,9 tỷ kWh (tương đương hơn 35,2 triệu thùng dầu thô), khoảng 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước. Mặc dù mức tiết kiệm này chưa nhiều, nhưng các mục tiêu định lượng cơ bản của giai đoạn I đã đạt được. Trong giai đoạn II (2011 - 2015), Chương trình phấn đấu tiết kiệm 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước.

Sử dụng ánh sáng mặt trời để chiếu sáng nhà xưởng sản xuất nhằm tiết kiệm điện tại Công ty Cơ điện miền Trung . Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN.


Những kết quả bước đầu

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) giai đoạn 2006-2010 có tổng kinh phí 169,1 tỷ đồng, đến nay, về cơ bản khung pháp lý trong lĩnh vực sử dụng NLTK&HQ đã được hình thành. Luật Sử dụng NLTK&HQ đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và có hiệu lực từ tháng 1/2011; các nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ hướng dẫn thi hành luật đã và đang lần lượt ban hành là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động trong chương trình. Nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án của chương trình đạt hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng, góp phần giảm chi phí năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới các Trung tâm TKNL, đơn vị tư vấn năng lượng đã được hình thành là chỗ dựa về kỹ thuật cho các DN, trợ giúp các DN làm kiểm toán năng lượng, tư vấn đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Các hoạt động về truyền thông phổ biến kiến thức trong việc sử dụng năng lượng gia dụng, các dự án xây dựng mô hình gia đình TKNL, phát triển sử dụng năng lượng tái tạo đã được triển khai đến các phường, xã ở thành phố và nông thôn…

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: Trong giai đoạn 2006 - 2010, EVN đã triển khai nhiều chương trình, tập trung vào các lĩnh vực tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Do đó, đã tiết kiệm được trên 2,1 tỷ kWh điện từ việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng và gần 4,5 tỷ kWh điện trong các lĩnh vực sử dụng điện là cơ quan, công sở khối hành chính sự nghiệp, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt hộ gia đình dân cư và chiếu sáng công cộng.

Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh (ECC - HCMC) Huỳnh Kim Tước cho hay, thực hiện chương trình này, ECC - HCMC đã xây dựng kế hoạch và chiến lược nhằm giảm 5% tổng năng lượng tiêu thụ của thành phố, trong đó, ngành công nghiệp giảm từ 2 - 3%, dịch vụ từ 0,5 - 1%, hạ tầng đô thị 1% và hộ gia đình 2%. Sau 5 năm thực hiện, toàn thành phố đã tiết giảm được trên 786 triệu kWh (tương đương 5,62%) điện năng tiêu thụ…

Cần sự hợp tác của cả cộng đồng

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, để thực hiện có kết quả định hướng phát triển hoạt động của chương trình trong giai đoạn II (2011-2015) với mục tiêu TKNL từ 5 - 8%, cần phải có sự hợp tác của các bộ ngành, các địa phương, các DN, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng xã hội; đồng thời tranh thủ tối đa sự trợ giúp của quốc tế cùng chung sức thúc đẩy các hoạt động sử dụng NLTK&HQ mạnh hơn.

Cùng với sự hợp tác trên, chương trình sẽ tăng cường năng lực cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp quản lý nhà nước cũng như cấp DN; lựa chọn các chính sách thúc đẩy TKNL, hiệu suất năng lượng; bổ sung các văn bản pháp lý và hướng dẫn chi tiết cho các lĩnh vực sử dụng năng lượng. Đặc biệt, dỡ bỏ các rào cản trong hoạt động sử dụng NLTK&HQ, nâng cao hiệu suất năng lượng; áp dụng vào thực tiễn các nội dung quy định của Luật Sử dụng NLTK&HQ; xây dựng các tiêu chí chuẩn, quy chuẩn, quy định về hiệu suất năng lượng, về sử dụng các thiết bị, phương tiện, dây chuyền công nghệ TKNL cũng như các vấn đề về xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống điều tiết và báo cáo thống kê năng lượng, kiểm toán năng lượng.

Bên cạnh đó, chương trình cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng NLTK&HQ trong nhân dân, trong hệ thống giáo dục quốc gia; thí điểm các dạng năng lượng thay thế quy mô công nghiệp và mô hình gia đình TKNL; phát triển tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và bắt đầu thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng theo lộ trình. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực lựa chọn, tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm theo Luật Sử dụng NLTK&HQ.

Đối với các DN sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có tiêu thụ năng lượng lớn, chương trình sẽ xây dựng kế hoạch, đánh giá tiềm năng TKNL ở mỗi lĩnh vực như sản xuất năng lượng, khai khoáng, thép, xi măng, giấy, thực phẩm, bia rượu, dệt may; cải thiện hiệu suất đối với các thiết bị cũ trong sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp; phương tiện, máy móc, tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, thiết bị bơm của hệ thống thủy lợi có công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng… Mặt khác, Chương trình cũng áp dụng quy chuẩn xây dựng đối với các tòa nhà mới có quy mô lớn; thẩm định các thiết kế và quy hoạch sử dụng NLTK&HQ cho phù hợp; áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu TKNL trong các tòa nhà…

Cùng với các giải pháp trên, Ban Chỉ đạo chương trình cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Luật Sử dụng NLTK&HQ chủ động xây dựng, thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, giải pháp TKNL thuộc địa bàn quản lý. Tăng dần nguồn kinh phí để triển khai các dự án TKNL, trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng hàng năm nhằm giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm, ít nhất 1%/năm nhu cầu sử dụng năng lượng.


Văn Xuyên