02:00 28/02/2012

Tiết giảm chi phí - lợi ích cho chính doanh nghiệp

Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã lần lượt đăng ký tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý, giảm giá thành theo chủ trương của Bộ Tài chính như: Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...

Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã lần lượt đăng ký tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý, giảm giá thành theo chủ trương của Bộ Tài chính như: Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)…
 

Trạm 500KV Hiệp Hòa (Bắc Giang) là 1 trong 12 công trình 500KV đang được khẩn trương hoàn thành. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Quý I/2012, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ hoàn thành việc đăng ký cắt giảm chi phí tài chính. Đây được xem là bước khởi đầu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ.

Cam kết cắt giảm chi phí hàng nghìn tỷ đồng

“Việc các DNNN thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi nhuận. Vấn đề này không có gì mới nhưng nét mới trong năm 2012 là Bộ Tài chính đã yêu cầu DNNN phải tiết kiệm cụ thể từ 5 - 10% chứ không chung chung”, một cán bộ của Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) nhận xét.

Đây cũng là một trong những công việc phải thực hiện trong rất nhiều giải pháp tái cơ cấu DNNN. Vì một trong những mục tiêu của tái cơ cấu là lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN. Như vậy, tiết giảm chi phí là một giải pháp cụ thể.

Trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa thực hiện các cam kết tiết giảm chi phí quản lý, kinh doanh, có lẽ EVN được xem là doanh nghiệp đưa ra con số “khủng” nhất với mục tiêu năm 2012, EVN tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh với giá trị 1.846 tỷ đồng. Tuy nhiên trong tổng số tiền này thì có tới 1.300 tỷ đồng là từ tiết kiệm điện, đồng nghĩa với việc phụ thuộc rất lớn vào các hộ tiêu dùng điện. “Đây cũng là biện pháp để EVN giảm áp lực tăng giá điện và chia sẻ khó khăn với Nhà nước, với cộng đồng doanh nghiệp. Tiết kiệm không phải là cắt xén chi tiêu, nếu còn lỗ thì sẽ giảm lỗ đi và nếu lãi thì đấy chính là lãi của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin Trần Xuân Hòa, tổng mức tiết giảm chi phí trong năm nay của toàn tập đoàn là hơn 900 tỷ đồng. Theo đó, tập đoàn sẽ tính toán kỹ lưỡng hiệu quả các dự án đầu tư, có kế hoạch điều chỉnh, cắt giảm các dự án để trước mắt chỉ tập trung đầu tư các dự án phục vụ trực tiếp cho sản xuất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư để sớm đưa vào hoạt động, tiết kiệm chi phí lãi vay.

Trong số các đơn vị trên thì việc HUD cam kết tiết giảm chi phí quản lý 125 tỷ đồng được coi là nỗ lực lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”. Theo đó, Công ty mẹ - Tập đoàn HUD và 4 tổng công ty thành viên đã ký giao ước, thống nhất các biện pháp thực hiện tiết kiệm cụ thể như: Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư các dự án cho phù hợp với khả năng huy động vốn; đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa cấp bách... Đại diện HUD cho rằng: Với các biện pháp trên, HUD ước tính số tiền tiết kiệm từ tiết giảm chi phí quản lý dự kiến khoảng 125 tỷ đồng, nâng lợi nhuận dự kiến theo kế hoạch năm 2012 của tập đoàn từ 1.980 tỷ đồng lên 2.105 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh cũng đã yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên tiết kiệm chi phí, gồm: Cước vận tải xăng dầu viễn dương, cước vận tải xăng dầu ven biển - tiết giảm 5% so với đơn giá năm 2011. Trong quá trình lưu thông xăng dầu phải giảm tối thiểu 5% so với định mức hao hụt hiện hành...

Theo một số chuyên gia tài chính, việc tiết giảm chi phí quản lý không khó, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ thành công. Cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính sẽ có sự giám sát chặt chẽ việc thực hiện của doanh nghiệp.

Thoái vốn ngành “ngoại đạo”

Để tiết giảm chi phí và tập trung vốn cho đầu tư trong ngành, EVN sẽ tiếp tục chuyển nhượng phần vốn của mình tại Ngân hàng cổ phần An Bình (ABBank). EVN đang trình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về chuyển nhượng vốn 5,3% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank để đảm bảo lượng nắm giữ của EVN về mức quy định theo Luật Tổ chức tín dụng.

Như vậy, cùng với việc chuyển nhượng cổ phần tại ABBank, thực hiện tái cơ cấu tập đoàn, EVN sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện năng và đầu tư phát triển theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành.

Theo mô hình tập đoàn kinh doanh, Vinacomin đã cơ cấu lại vốn của tập đoàn và các công ty con trong cùng một công ty cổ phần. Đồng thời, Vinacomin cũng làm thủ tục thoái vốn các lĩnh vực ngoài sản xuất kinh doanh chính. Trước mắt, thoái vốn 216,8 tỷ đồng của 4 công ty là: Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không; Công ty cổ phần đường cao tốc BECD; Công ty cổ phần khu kinh tế Hải Hà và Quỹ đầu tư Việt Nam. Những công ty này đang hoạt động có hiệu quả nên vẫn bảo toàn được vốn của Nhà nước.

Minh Phương