07:20 27/07/2014

Tiếp tục triển khai chính sách với người có công

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp nhiều nội dung được người dân quan tâm như: Chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước đối với các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công....

Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2014), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp nhiều nội dung được người dân quan tâm như: Chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước đối với các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công; việc xử lý những trường hợp làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách...

* Đa số người có công đã được hưởng chính sách đãi ngộ

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đến thời điểm này, cả nước đã xác nhận được hơn 8,8 triệu người được hưởng chính sách ưu đãi. Như vậy, đại đa số người có công đã được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số trường hợp không đủ hồ sơ gốc do lịch sử để lại, do chiến tranh kéo dài... Để giải quyết vấn đề này, ngày 22/10/2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28 hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ gốc. Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương về thủ tục, trình tự xem xét đối với những trường hợp mất hồ sơ gốc.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN


Theo báo cáo của 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, sau khi thực hiện Thông tư, đến nay các địa phương đã xem xét 112 hồ sơ đề nghị xác nhận là liệt sỹ và 396 hồ sơ đề nghị xác nhận là thương binh. Việc triển khai thực hiện đối với những trường hợp không còn hồ sơ gốc đã và đang được các địa phương triển khai theo Thông tư 28 để giải quyết chính sách cho người có công.

* Xử lý nghiêm các vi phạm trong xác nhận hồ sơ đối với người có công

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, các địa phương đều làm đúng quy định đối với người có công. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng lợi dụng cơ chế chính sách làm các hồ sơ gian lận. Để giải quyết hiện tượng trên, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các địa phương chỉ đạo, trực tiếp thanh tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm; từ năm 2008 đến 2013 đã rà soát, xem xét, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, có trường hợp chuyển sang cơ quan pháp luật giải quyết.

 Tới đây, thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện công tác này; tuyên truyền đầy đủ cho nhân dân biết được trách nhiệm của mình, phát hiện những vấn đề gian lận để kịp thời phản ánh. Những vấn đề này diễn ra trong dân, vì vậy nếu dân không phát hiện, phản ánh, các cơ quan quản lý nhà nước xử lý có thể bị chậm.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, đã tiến hành tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Thông qua đợt tổng rà soát này, hy vọng sẽ phát hiện được những trường hợp gian lận để xử lý. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khuyên người dân khi phát hiện được các sai phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công cần phản ánh với các cơ quan chính sách tại địa phương. Người dân ở cấp xã nên gửi về Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Nếu ở cấp huyện nên gửi tới Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện. Bởi đây là các cơ quan triển khai chính sách cũng như tiếp nhận những vấn đề người dân phản ánh để chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo, ngoài các các cơ quan chức năng trên, người dân có thể gửi đơn đến cơ quan thanh tra cấp huyện, tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh để chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Trong kỳ họp Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhận trên 200 ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực phụ trách, trong đó chủ yếu là về giải quyết chính sách. Trường hợp người dân phản ánh những hiện tượng không đúng của địa phương, Bộ sẽ cho kiểm tra xem đúng đến đâu. Các đơn, thư tố cáo sẽ chuyển cơ quan thanh tra của Bộ để giải quyết theo đúng quy định pháp luật.


Phúc Hằng/TTXVN (lược ghi)