04:18 01/04/2015

Tiếp tục tập trung đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2015, thảo luận về Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.

Ngày 1/4, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2015, thảo luận về Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2015; Báo cáo tóm tắt bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, tình hình triển khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 và một số báo cáo quan trọng khác.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Báo cáo tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội Quý I/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, đồng thời giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiến độ thu ngân sách đạt khá; tăng trưởng tín dụng tăng, lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút FDI có chuyển biến tích cực. GDP Quý I/2015 cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây). Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đã loại trừ yếu tố tăng giá gấp đôi so với cùng kỳ năm trước cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu. Xuất khẩu duy trì được đà tăng trưởng. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định, dự báo tình hình; cho rằng kinh tế thế giới mặc dù còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, song xu thế chung là tiếp tục phục hồi, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nước ta.

Trong nước, những yếu tố cơ bản như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt cao ngay trong quý I (ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2011 trở lại đây); lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu điều hành; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; các khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh được quyết liệt tháo gỡ… tạo điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Qua hoạt động giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hỗ trợ ngư dân trong đóng tàu vỏ thép ra khơi bám biển, bởi công tác này đang triển khai thực hiện chậm; hình thức hỗ trợ cần linh hoạt hơn, phù hợp hơn với yêu cầu, nguyện vọng và mong muốn của ngư dân, không nên áp dụng các cách thức, mô hình hỗ trợ cứng nhắc.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm đã nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương trong triển khai các nghị quyết của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết bằng các chương trình, hành động cụ thể.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn dân, bức tranh chung tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật, GDP quý I tăng trưởng 6,03%, con số này đã được rà soát kỹ trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế.

Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tăng chủ yếu là do công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành theo dõi thêm; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng còn rất phức tạp, phải cập nhật liên tục. Tinh thần chung là tiếp tục khẳng định mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, phấn đấu để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có cả tỷ giá, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, cân đối thu chi ngân sách, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đà tăng trưởng, phát triển đang mạnh của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; đi liền với đó là dồn sức tháo gớ khó khăn cho nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế, cũng như trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác; chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập, bảo vệ sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch; có giải pháp phù hợp để sử dụng hiệu quả số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của DNNN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngoài 289 DNNN cổ phần hóa trong năm nay, các bộ, ngành cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa, không chỉ trong cổ phần hóa doanh nghiệp, mà cần bán tiếp phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ, hiệu quả thấp; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh và các điều kiện lao động; thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT năm 2015; triển khai nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp thu, điều chỉnh các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật được Quốc hội thông qua, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính khả thi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận một cách trung thực, khách quan, nhanh chóng, chính xác, kịp thời về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời đề nghị các các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động giám sát xã hội.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015, Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực vào 1/1/2016), trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như Luật hiện hành.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP. HCM đã kiến nghị việc sửa đổi Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.

Về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển sử dụng rượu bia của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải sau thời gian nghiên cứu đề xuất này đã báo cáo Chính phủ, cho rằng đề xuất trên là có căn cứ pháp lý và việc có chế tài mạnh với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia là cần thiết. Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận xã hội, nên tại thời điểm hiện nay, đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải.


Thiện Thuật (TTXVN)