04:10 20/04/2012

Tiếp tục phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 19/4, tại Hà Nội, tiếp tục phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;

Ngày 19/4, tại Hà Nội, tiếp tục phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Theo quan điểm của Chính phủ, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế bao gồm tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thống nhất với những định hướng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần xác định mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2020 có bao nhiêu đề án thành phần và lộ trình thực hiện tái cơ cấu. Đề án cần bổ sung định hướng những lĩnh vực sẽ được tái cơ cấu, phù hợp với 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đề án tổng thể cần nói rõ đề án thành phần, trong 3 đột phá chiến lược: Thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng thì cái gì là trọng tâm? Ngay cả 3 đột phá chiến lược này cũng phải xác định rõ những trọng tâm trong nội hàm của nó. Tái cơ cấu nền kinh tế nên xác định trọng tâm là tái cơ cấu thị trường tài chính. Tái cơ cấu doanh nghiệp là tái cơ cấu toàn bộ lực lượng tạo ra GDP, trong đó phải thúc đẩy cho được các thành phần kinh tế, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước. Đột phá về cơ sở hạ tầng nên chọn cơ cấu đầu tư trong đó đầu tư công là trọng tâm, làm đầu tư công cho hiệu quả. Đợt tái cơ cấu lần này sẽ tác động tới kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước như thế nào cũng cần được làm rõ hơn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, phải tiếp tục đẩy mạnh mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, thấy rõ đặc trưng của xu thế toàn cầu hóa là tự do hóa thương mại, có sự phụ thuộc lẫn nhau và liên kết tương đối chặt chẽ. Nếu chấp nhận tự do hóa thương mại thì cơ chế phải được xây dựng trên nền đó. Bên cạnh đó, phải phát huy được nội lực, tiến hành cơ cấu lại sẽ phải tự lực, tự thân, từng doanh nghiệp cũng phải tự thân, phát huy sức mạnh tự lực cánh sinh. Đồng thời với đó, phải tái cấu trúc các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước vẫn phải giữ được vai trò nòng cốt; có cơ chế đưa doanh nghiệp đầu tư sâu vào vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, hướng vào thị trường trong nước.

Chính phủ nên xây dựng một hệ thống chỉ tiêu cảnh báo rủi ro, đối với nền kinh tế gồm một loạt vấn đề cần cảnh báo như nợ công, xuất nhập khẩu, thị trường lao động; đối với doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống này và cần cảnh báo công khai để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân dựa vào đó để tính toán có tiếp tục đầu tư hay không.

Nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đề nghị đề án cần làm đậm nét thêm vấn đề đột phá nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng quan hệ lao động cho phù hợp trong quá trình tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động thông qua sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng và ứng dụng công nghệ. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng đây là đề án lớn, quan trọng và rất phức tạp. Trong 5 năm tới cần tập trung cho 3 khâu quan trọng là tái cấu trúc nền tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc ngân hàng thương mại; tái cấu trúc đầu tư, tập trung vào đầu tư công, sắp xếp phân bổ sử dụng nguồn lực của Nhà nước vào khu vực nào để khắc phục bất cập của nền kinh tế; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

* Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình đặt trọng tâm vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; tiếp tục đưa các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước vào Chương trình chuẩn bị để đảm bảo đồng bộ với định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Theo đó, Chính phủ đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 có tổng số 59 dự án (56 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh).

Về dự án Luật Đầu tư công, mua sắm công, do phạm vi điều chỉnh khác nhau nên quá trình soạn thảo gặp một số khó khăn, vì vậy dự kiến Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về khả năng tách dự án luật này thành 2 dự án luật độc lập. Trong số 12 dự án luật mà Chính phủ sẽ trình QH cho ý kiến, có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được điều chỉnh thời hạn trình từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Chính phủ đề nghị đưa 3 dự án pháp lệnh vào Chương trình năm 2013 là: Pháp lệnh công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và Pháp lệnh đào tạo nghề một số chức danh tư pháp.

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình khóa XIII và đưa vào Chương trình năm 2013 Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm thực hiện một trong 3 khâu đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế; Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm xây dựng thể chế kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp, hạn chế việc ban hành các quyết định hành chính sai trái như trong thời gian qua; Luật Cảnh vệ. Chính phủ cũng đề nghị tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng thành 2 dự án luật độc lập vì bản chất hai loại thuế này là khác nhau.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và Luật Việc làm để QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Thẩm tra những nội dung này, Ủy ban Pháp luật của QH cơ bản tán thành với các quan điểm, căn cứ lập dự kiến Chương trình của Chính phủ.

Về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, sau khi rà soát tổng số các dự án do các cơ quan, tổ chức, đại biểu QH kiến nghị, Ủy ban Pháp luật cho biết, tính đến hết ngày 13/4, đã nhận được 84 dự án luật và 10 dự án pháp lệnh. Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều đề nghị của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và của các đại biểu QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các dự án liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa dự án này vào Chương trình tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).

Thanh Vân - Quang Vũ