11:23 13/11/2012

Tiếp tục phiên chất vấn với nhiều vấn đề “nóng”

Tiếp tục phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm những vấn đề về quản lý thị trường bất động sản; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu các nhà máy xi măng; an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Quy hoạch chưa tốt, đầu tư dàn trải


Tiếp tục phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm những vấn đề về quản lý thị trường bất động sản; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu các nhà máy xi măng; an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2…


 

Đại biểu Quốc hội Dương Hoàng Hương (Phú Thọ). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) liên quan đến vấn đề an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Thủy điện Sông Tranh 2 tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng, từ khâu khảo sát thiết kế đã có tư vấn độc lập của Nhật Bản kiểm tra khẳng định an toàn. Sau khi đập đưa vào sử dụng có vấn đề thấm nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã cùng Bộ Công Thương, chủ đầu tư, nhà tư vấn tập trung để xử lý.


Những trận động đất, rung chấn ở khu vực Bắc Trà My tuy đều nhỏ hơn mức 5,5 độ ríchter nhưng người dân lo lắng nên quan điểm của Chính phủ và Hội đồng nghiệm thu nhà nước là phải tập trung xử lý mọi vấn đề liên quan đến an toàn, coi đây là nhiệm vụ số 1, thực hiện yêu cầu an dân. Khi dân còn lo lắng sẽ không tích nước.


Về vấn đề an toàn của đập thủy điện sông Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thông tin thêm với Quốc hội: Chính phủ đã cử các đoàn công tác do các Phó Thủ tướng dẫn đầu khảo sát trực tiếp tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Mặc dù thông số kỹ thuật cho thấy hiện vẫn an toàn nhưng vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, khẳng định tính an toàn của đập.


Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề động đất, hiện nay ta đã mời các nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy rằng động đất cũng không có tác động lớn, mới cho tích nước. Khi đó mới kết luận cuối cùng. Chính phủ đã đưa ra giải pháp quá độ, tạm thời chưa tích nước, để đồng bào ở lại và có những biện pháp an toàn; các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu vấn đề động đất, rà soát tổng thể. Việc dừng hay tiếp tục công trình sẽ được quyết định khi có kết luận nghiên cứu về động đất. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ hơn về vấn đề này trong phần trả lời chất vấn ngày 14/12.


Phân tích những nguyên nhân của tình trạng đầu tư xây dựng dàn trải như hiện nay, Bộ trưởng cho biết có 54.000 công trình đang thực hiện. Theo báo cáo các địa phương, để rà soát lại toàn bộ những công trình và tổng nguồn vốn phải điều chỉnh tăng lên là hơn 8.000 tỷ. Bộ trưởng đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng trong xây dựng, trong đó có nguyên nhân nhiều công trình chưa có vốn cũng bố trí đầu tư hoặc nguồn vốn chưa đủ nhưng cũng bố trí đầu tư để mong những năm sau tiếp tục có vốn. Một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng, là do chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, đầu tư quá nhiều công trình…


Báo các với Quốc hội về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ quản lý, Bộ trưởng Trình Đình Dũng cho biết các công ty này cũng đang trong tình trạng khó khăn như tình trạng chung hiện nay. Bộ đang tập trung để xử lý các vấn đề, trước mắt sẽ rà soát lại tất cả các khoản nợ để phân loại khoản nợ nào có thể xử lý được, khoản nợ nào không thể xử lý được và khoản nợ nào cần phải có thời gian mới giải quyết được.


Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trả lời cụ thể, đầy đủ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.


Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có nhiều giải pháp để làm ấm lên thị trường bất động sản. Trước hết là giải quyết cân đối cung cầu; tập trung rà soát tất cả các dự án bất động sản đang tồn đọng, tồn kho căn hộ, nhà, đất bỏ hoang… để quyết định cho làm tiếp, đình chỉ hay dừng thi công. Cùng đó, cơ cấu lại thị trường một cách cân đối cung - cầu để có điều chỉnh cần thiết đối với quy hoạch, thiết kế các khu đô thị và các chủng loại thị trường nhà ở, nhà cho thuê, khu thương mại, khu công nghiệp, khu đô thị, khu chung cư…


Nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong quản lý ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng cần làm tốt hơn việc rà soát Luật Xây dựng, các nghị định về quản lý xây dựng, chất lượng xây dựng để có chỉnh sửa theo hướng tăng cường quản lý công tác chuyên môn về xây dựng, đảm bảo từ thiết kế tới thi công, nghiệm thu, quyết định cho công trình đưa vào sử dụng; rà soát đảm bảo chất lượng nhà thầu, kiểm soát để đảm bảo thiết kế, thi công tốt hơn, công tác nghiệm thu chặt chẽ hơn… Theo Chủ tịch Quốc hội, tiêu cực, tham nhũng, rút ruột công trình là một nguyên nhân lớn, nghiêm trọng không những làm chất lượng công trình kém mà còn làm hư hỏng đội ngũ cán bộ. Do đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm điểm sâu sắc.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Thị trường tiền tệ, nợ xấu sẽ được khơi thông


Sau Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, tập trung vào các vấn đề: Thị trường tiền tệ; vốn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết tình hình nợ xấu, nợ đọng để khơi thông nền kinh tế. Đáng chú ý, vấn đề về thị trường vàng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống tín dụng đã được Thống đốc làm rõ.


 

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc).

 

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nêu vấn đề, trong thời gian qua có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Thống đốc cho biết giải pháp giải quyết vấn đề này.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Trước đây, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gây ra biến động kinh tế vĩ mô, tác động đến tỉ giá, dẫn đến tình trạng đầu cơ buôn lậu vàng qua biên giới. Điều này ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu do lượng lớn ngoại tệ phục vụ buôn lậu vàng, kéo theo lạm phát và chảy máu ngoại tệ. Để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải cho nhập khẩu vàng nhằm đưa giá vàng trong nước gần với quốc tế. Để chấn chỉnh kịp thời thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Nghị định 24 từ năm 2009, nhưng Nghị định động chạm đến nhiều lĩnh vực kinh doanh, qua nhiều lần trao đổi, thảo luận với các bộ, ngành liên quan, đến ngày 25/5/2012 Nghị định này mới có hiệu lực...


Vấn đề huy động vàng trong nền kinh tế cũng được nhiều đại biểu đề cập. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, hiện chưa có đánh giá cụ thể nhưng từ thực tế hoạt động, theo Ngân hàng Nhà nước có khoảng 250-300 tấn vàng trong dân. Đây là nguồn lực rất lớn bị lãng phí. Thực hiện các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tín dụng đã mua của người dân hơn 60 tấn vàng trong 5 tháng qua. Đây cũng là sự cố gắng bước đầu trong việc huy động được vàng.


Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về vấn đề nợ xấu và các giải pháp để giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ, nhận thức được nguy cơ nợ xấu tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án tái cấu trúc và đánh giá thực trạng nợ xấu trong ngành ngân hàng. Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ lệ nợ xấu theo đánh giá của ngân hàng; đồng thời, có giải pháp tổng thể giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, Thống đốc thừa nhận, tình trạng nợ xấu đã diễn ra trong một thời gian dài là do tăng trưởng tín dụng quá nóng, buông lỏng hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát. Khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, đánh giá thực tế doanh nghiệp...


Thống đốc cho rằng, giải quyết nợ xấu cần phải có thời gian, hiện hệ thống tín dụng đang cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, tổ chức nào chưa thành lập dự phòng rủi ro sẽ không được chia lợi nhuận để đảm bảo quỹ dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu. Các tổ chức đã xử lý 12.000 tỷ đồng từ quỹ dự phòng rủi ro. Thực tế tại các tổ chức tín dụng, hơn 80% nợ xấu có tài sản đảm bảo, trong đó hơn 50% có tài sản đảm bảo là bất động sản. Với những giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng tình trạng nợ xấu sẽ chững lại và không gia tăng. Tuy nhiên, việc này cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ban, ngành và địa phương. Nếu khơi thông được thị trường bất động sản, sẽ giải quyết được một phần nợ xấu.


Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh tình trạng tín dụng đen vẫn tràn lan ngoài thị trường. Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận tình trạng này do tổ chức tín dụng thẩm định cho vay, phương án quản lý vốn chặt chẽ hơn, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn dẫn đến tín dụng đen tràn lan. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tình trạng này, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng.


Theo Thống đốc, thực tế, lãi suất đã giảm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, tính thanh khoản của tổ chức tín dụng đã được cải thiện nhưng chưa ổn định, chưa bền vững. Thời gian qua, lạm phát đã giảm 1% nhưng vẫn rình rập gia tăng trở lại. Ngân hàng Nhà nước cùng với hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục tìm gói giải pháp hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới...

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nóng bỏng công tác quản lý giá thuốc


Phiên chất vấn, trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bắt đầu cuối giờ chiều 13/11 với hàng loạt các câu hỏi về những vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân như: bất cập trong quản lý đã khiến giá thuốc bị đẩy cao, tác động của việc tăng viện phí, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...


 

Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường (Thái Bình).

Các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Y tế về việc vì sao thuốc qua đấu thầu lại đắt hơn giá thị trường trong khi lẽ ra phải rẻ hơn? Thực trạng cùng một địa phương nhưng mỗi cơ sở khám, điều trị lại bán thuốc với giá khác nhau với mức độ chênh lệch lớn? Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, giá thuốc đã bị đẩy cao so với mức niêm yết trung bình từ 10-20%.


Bộ trưởng cho biết: Giá thuốc khi tới tay bệnh nhân đã phải qua nhiều khâu trung gian; công ty dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn biệt dược hưởng chênh lệch; kết quả đấu thầu tại cơ sở khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết bên ngoài... đã tạo nên thực trạng trên. Còn nguyên nhân giá thuốc sau khi đấu thầu lại cao hơn với giá niêm yết đã kê khai trước đó, xuất phát từ những quy định bất hợp lý trong thông tư, quy định đấu thầu giá thuốc. Quy định chỉ chia nhóm thuốc theo công dụng chứ không chia theo xuất xứ.


Tự chỉ ra một bất cập lớn của ngành, người đứng đầu ngành Y tế cả nước cho rằng, quy định cho các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế quản lý giá thuốc là không hợp lý, vì như vậy chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì Bộ vừa sản xuất, vừa kê thuốc, vừa quản lý giá thuốc. Bộ trưởng thẳng thắn: Không nên để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Bộ Y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, đảm bảo đủ thuốc đến tay người bệnh.


Để giải quyết căn cơ thực trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư chia các nhóm thuốc thành xuất xứ khác nhau trên cơ sở kỹ thuật; đồng thời quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá trước đó kê khai để quản lý. Bộ Y tế cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia về thuốc với sự tham gia của liên ngành: Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Y tế để đảm bảo cân đối, xem xét và đưa ra giá thấp nhất. Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành quy định quy chế kê đơn thuốc, hạn chế dùng biệt dược để thống nhất áp dụng trên cả nước.


Trả lời câu hỏi của các đại biểu xung quanh tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định việc tăng giá sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người nghèo, người tham gia BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi.


Theo Bộ trưởng, cần tiến tới một giai đoạn như các nước đã bảo hiểm toàn dân. Tức là người bệnh chỉ biết chữa bệnh và bệnh viện chỉ biết chăm sóc, việc thanh toán tiền là giữa cơ quan trả tiền là bảo hiểm xã hội và cơ quan thực hiện nhiệm vụ, đó là bệnh viện.


Bộ trưởng cũng thông tin thêm, đối với cơ sở khám chữa bệnh, sau nhiều cuộc giao ban, các giám đốc bệnh viện đều khẳng định: Nếu không thay đổi giá dịch vụ, bệnh viện công không tồn tại được.


Trả lời về phương cách giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, Bộ trưởng cho rằng, Bộ Y tế chỉ có thể là xử phạt hành vi siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức kiểm tra. Bộ trưởng Y tế đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc này ngay tại địa phương mình, đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, cả xã hội phải tích cực vào cuộc hơn nữa.


Cũng trong phần trả lời chiều qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu xung quanh công tác quản lý tiền chất, quản lý hoạt động khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài.


Thu Hà - Thúy Hiền - Quang Vũ