01:09 29/01/2015

Tiếp sức cho ngư dân

Thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ đồng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo, trong đó chú trọng hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển đảo...

Thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ đồng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo, trong đó chú trọng hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển đảo trong tình hình mới.


Từ bao đời nay, biển, đảo gắn bó mật thiết với đời sống ngư dân Việt Nam, là không gian sinh tồn, không gian phát triển của đất nước. Không chỉ mang về một nguồn lợi kinh tế biển lên tới 6,7 tỷ USD mỗi năm, mỗi ngư dân trên biển còn là một cột mốc vững chãi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc . Trong những năm qua, thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển, góp phần bảo đảm việc khai thác và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước cải thiện đời sống của ngư dân vùng ven biển và hải đảo.

Cần khẳng định rằng, phát triển kinh tế biển vừa là đòi hỏi bức thiết, nhưng cũng là thách thức lớn. Chắc chắn rằng, hơn 90 triệu người dân đất Việt đều đồng lòng dành khoản đầu tư cần thiết cho ngư dân, bởi họ không thể đánh bắt xa bờ, dài ngày bằng những chiếc tàu gỗ giản đơn, phương tiện sơ sài. Do vậy, đóng tàu vỏ thép cho ngư là đòi hỏi tất yếu đối với một quốc gia biển như Việt Nam. Một thông tin rất vui khi Ngân hàng BIDV cho biết sẽ dành gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho ngư dân một số tỉnh vay vốn để đóng tàu vỏ thép, ra khơi bám biển (BIDV sẽ cho vay đến 90% giá trị con tàu, với lãi suất 2 - 3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm).

Tuy nhiên, đã có ý kiến lo ngại, đồng vốn được Nhà nước đầu tư sẽ được sử dụng ra sao, nhất là trong bối cảnh công tác quản lý, phát triển tàu cá chưa có một quy hoạch hợp lý, thiếu định hướng dẫn đến số lượng phương tiện khai thác ven bờ chiếm tỷ lệ lớn. Chính sách tín dụng cho vay ưu đãi tuy được thực hiện, nhưng thực tế, nguồn vốn chưa thực sự đến với người dân. Bên cạnh đó, cũng còn những tranh luận xung quanh mô hình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Không còn phải tranh cãi, chủ trương đóng tàu vỏ sắt là hướng đến lợi ích của ngư dân, giúp ngư dân an toàn, yên tâm bám ngư trường. Vấn đề ở chỗ, nhà nước chủ động đóng tàu sắt công suất lớn đúng tiêu chuẩn rồi giao cho ngư dân (bởi ngư dân chỉ quen đi biển, không đủ trình độ quản lý lẫn kỹ thuật để đóng những con tàu sắt hiện đại), hay cho ngư dân vay vốn để họ tự đóng những con tàu phù hợp với tập quán đánh bắt, sinh hoạt của ngư dân trên biển? Chọn giải pháp nào là cả một câu chuyện dài đang cần lời giải đáp.

Rõ ràng, cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư đang là vấn đề nan giải, nhưng không phải là quá khó khi cả nước đồng lòng vì ngư dân. Đã có nhiều bài học đắt giá cho đầu tư đánh bắt xa bờ, nhưng không vì thế mà nghi ngại vào một chủ trương đúng, một chính sách lớn của Đảng trong chiến lược phát triển kinh tế biển hiện nay. Điều quan trọng là việc đầu tư cho ngư dân phải dựa trên một tư duy mới và cả những giải pháp quản lý mới.

Yến Nhi