06:13 14/06/2014

Tiếp dầu cho tàu cá trên biển

Hơn 2 năm qua, ngư dân Quảng Nam và các tỉnh trong khu vực đã quen với hình ảnh chiếc tàu sắt đi lại như con thoi trên các vùng cửa sông, cửa biển Kỳ Hà làm dịch vụ cung cấp nhiên liệu, ngư lưới cụ và đá lạnh cho tàu đánh cá của ngư dân.

Hơn 2 năm qua, ngư dân Quảng Nam và các tỉnh trong khu vực đã quen với hình ảnh chiếc tàu sắt đi lại như con thoi trên các vùng cửa sông, cửa biển Kỳ Hà làm dịch vụ cung cấp nhiên liệu, ngư lưới cụ và đá lạnh cho tàu đánh cá của ngư dân.

 

Điều bà con tâm đắc nhất là chiếc tàu này cung cấp vật tư nhiên liệu ngay trên biển nhưng giá cả cũng chỉ ngang bằng với giá niêm yết tại các trạm xăng dầu trên đất liền. Chủ chiếc tàu này không ai khác chính là kình ngư Huỳnh Minh Cảnh nổi tiếng sản xuất kinh doanh giỏi và dày dạn kinh nghiệm trên các ngư trường khơi xa.

 

Việc tiếp dầu ngay trên biển giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn.


Gắn trọn cuộc đời với nghề biển, kình ngư Huỳnh Minh Cảnh ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã có một gia sản đáng nể. Anh sở hữu riêng hai chiếc tàu chuyên hành nghề xa bờ, trong đó có một chiếc tàu lắp 2 chân vịt có tổng công suất 1.100 CV trị giá trên 5 tỷ đồng vừa hạ thủy cách đây không lâu. Những chiếc tàu này đang hành nghề ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, kình ngư Huỳnh Minh Cảnh còn hùn vốn cùng với những ngư dân khác đầu tư mua 6 chiếc tàu cá khác để khai thác hải sản ở khắp các ngư trường trong Nam ngoài Bắc. Những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh của Huỳnh Minh Cảnh đã được đền đáp xứng đáng. Anh còn được UBND tỉnh Quảng Nam tặng nhiều bằng khen các loại. Đặc biệt năm 2005, Huỳnh Minh Cảnh đã được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc vì thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

 

Ngư dân kiểm tra thiết bị đi biển trước lúc ra khơi.


Những năm tháng bám biển dài ngày, cũng như các ngư dân khác, mỗi khi tàu gần hết vật tư nhiên liệu, lương thực thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác, thuyền trưởng buộc phải ra lệnh “nhổ neo kéo lưới” cho tàu chạy về đất liền, bất kể lúc ấy khai thác được bao nhiêu hải sản. Thuyền trưởng Huỳnh Minh Cảnh cho biết, có những chuyến ra khơi, tưởng cầm chắc phần trúng đậm nhưng kết quả chỉ vừa đủ trang trải cho chi phí đầu vào. Do đó, thu nhập của anh em thuyền viên cũng giảm theo. Đó là những chuyến ra khơi dò tìm đàn cá nhưng suốt cả tuần lễ không thấy. Đến khi tìm được thì tàu lại “ngậm ngùi” quay về bờ vì tàu sắp hết vật tư nhiên liệu.


Từ thực tế này, kình ngư Huỳnh Minh Cảnh quyết định thành lập một tổ làm dịch vụ chuyên cung cấp vật tư nhiên liệu và các đồ dùng thiết yếu khác cho ngư dân ngay trên biển. Huỳnh Minh Cảnh lặn lội vào Thành phố Hồ Chí Minh nhờ người quen đưa đến một cơ sở sản xuất cơ khí tàu thuyền và mua lại một chiếc tàu cũ với giá hơn 1,6 tỷ đồng về gia cố lại. Ngày đầu tiên của năm 2012, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên làm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân Quảng Nam này đã chính thức đi vào hoạt động.

Kình ngư Cảnh cho biết: Chiếc tàu này đã được cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận là tàu S1, tức là được phép hoạt động cả trên sông và trên biển. Tàu có 6 bồn chứa, có khả năng chứa được trên 90 tấn dầu các loại. Tuy nhiên trong thực tế, để bảo đảm an toàn, tàu làm dịch vụ chỉ mang theo 76 tấn dầu mỗi khi ra khơi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng, chiếc tàu làm dịch vụ của anh cung cấp 35.000 - 40.000 lít dầu và hàng chục nghìn cây đá lạnh cho các tàu thuyền đánh cá của ngư dân ngay trên biển.


Hoạt động của tàu dịch vụ trong 2 năm qua là bước chuẩn bị ban đầu cho kế hoạch lớn hơn của Cảnh. Anh đang nung nấu kế hoạch đưa tàu ra khơi xa hơn nữa, không chỉ hoạt động ở vùng biển gần bờ. “Tuy vậy, ngay bây giờ, nếu ngư dân cần thì phương tiện của tôi sẵn sàng đáp ứng ngay nhu cầu cung cấp vật tư, nhiên liệu trên bất kỳ vùng ngư trường nào”, chủ tàu Huỳnh Minh Cảnh khẳng định.


Ngoài chiếc tàu sắt của kình ngư Huỳnh Minh Cảnh, ở vùng cửa biển cảng cá Kỳ Hà còn có 3 chiếc tàu gỗ khác cũng làm dịch vụ cung cấp vật tư nhiên liệu cho tàu đánh cá của bà con ngư dân trên biển. Cảnh đang có ý tưởng “sáp nhập” các tàu gỗ nói trên và tàu sắt của mình thành tổ “cổ phần dịch vụ”. Anh cũng đang lên kế hoạch đóng mới một chiếc tàu sắt công suất lớn, trang bị đầy đủ các thiết bị đi biển, có khả năng vận chuyển lớn để vươn ra khơi xa. Tàu vừa làm nhiệm vụ tiếp dầu, tiếp lương thực thực phẩm trên biển và thu mua hải sản cho bà con ngư dân.


“Dịch vụ này phát triển bài bản sẽ không chỉ giúp ngư dân kéo dài thời gian bám biển mà còn giảm được chi phí đầu tư cho mỗi chuyến ra khơi”, anh Huỳnh Minh Cảnh khẳng định.


Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung