06:08 12/06/2014

Tiếng hát đại ngàn vang giữa Trường Sa

Giữa biển khơi được nghe tiếng hát hào sảng của những chàng trai, cô gái đến từ núi rừng Tây Nguyên là ấn tượng không thể quên đối với các chiến sỹ ở Trường Sa cũng như các thành viên trong đoàn công tác các tỉnh Tây Nguyên...

Giữa biển khơi được nghe tiếng hát hào sảng của những chàng trai, cô gái đến từ núi rừng Tây Nguyên là ấn tượng không thể quên đối với các chiến sỹ ở Trường Sa cũng như các thành viên trong đoàn công tác các tỉnh Tây Nguyên trong chuyến đi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa hồi tháng 5/2014 vừa qua.


Đi cùng với đoàn công tác các tỉnh Tây Nguyên đến Trường Sa lần này là đội văn nghệ xung kích của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Gọi là đội văn nghệ xung kích, bởi phần lớn các thành viên là những diễn viên, những cán bộ trẻ của Đắk Lắk, được tăng cường vào đoàn. Nhưng dù là nghệ sỹ chuyên hay không chuyên nghiệp, thì các thành viên trong đội văn nghệ đều nỗ lực hết mình mang lời ca tiếng hát phục vụ chiến sỹ, nhân dân ở các đảo.

 

Giao lưu với các chiến sỹ trên đảo Thuyền Chài A.


Đáng nhớ nhất là đêm giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa. Dù đến 7 giờ tối, chương trình văn nghệ mới bắt đầu, nhưng từ rất sớm, các chiến sỹ đã có mặt ở khu vực cột mốc chủ quyền, nơi diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ. Đến giờ biểu diễn, sân khấu rộn ràng với những bài ca, những điệu múa sống động.

Một trong những tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc trong đêm giao lưu là bài hát “Ngọn lửa cao nguyên” mang đậm chất Tây Nguyên của chàng ca sĩ người dân tộc K’Ho - Roda Mick, đã làm “cháy” sân khấu đêm biểu diễn. Các cán bộ, chiến sĩ ở dưới khán đài cũng “bốc cháy” theo, mọi người ùa lên, cùng nhau nhảy, cùng nhau hát như một dàn đồng ca hùng vĩ giữa biển khơi. Đêm ấy, cả chủ và khách đã cùng nhau thức trắng trong không gian của đại ngàn Tây Nguyên vang lên giữa biển khơi...

“Được đến biểu diễn văn nghệ ở Trường Sa là điều vinh dự của đơn vị. Chuyến đi này rất có ý nghĩa với chúng tôi, vừa là vì nhiệm vụ, vừa là để mang lời ca tiếng hát phục vụ các chiến sỹ, góp phần mang hơi ấm, tình cảm của người dân đất liền đến với biển đảo, để biển đảo và đất liền gần nhau hơn”.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk


Trung úy Nguyễn Thị Thanh Nga, công tác tại Đội Tuyên truyền, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, một trong hai nữ nghệ sỹ của đội xung kích cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Trường Sa, được gặp gỡ, giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ ở trên đảo, tôi rất xúc động. Tôi luôn cố gắng biểu diễn tốt nhất”.


Trong các tiết mục biểu diễn trên đảo, người luôn mang đến những ca khúc bốc lửa hát về núi rừng Tây Nguyên là Roda Mick. Chàng ca sỹ này sinh năm 1981, người K’ho - Lâm Đồng, hiện đang công tác tại Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Anh cũng chính là cựu thành viên của ban nhạc Bazan (ban nhạc Tây Nguyên) nổi tiếng một thời trong giới sinh viên do nhạc sỹ An Thuyên sáng lập. Với chất giọng hay, khỏe, đậm chất Tây Nguyên, chàng trai có nước da đen, mắt sáng đã luôn làm “cháy” những “sân khấu” giao lưu trên đảo.


Cảm động nhất là ngày tàu HQ 571 của đoàn công tác thả neo cạnh DK1/11 Tư Chính. Rất đông chiến sỹ và các già làng cùng vỗ tay nhịp theo giai điệu cùng ca khúc nói về biển đảo đang được những người con đại ngàn thể hiện. Không ngờ âm thanh của cái đàn ghita gỗ qua khuếch âm micro lại hiệu ứng lớn như vậy. Giọng ca cùng tiếng đàn như át gió sóng rào rạt Trường Sa từ đỉnh cao nhà giàn.


Roda Mick tâm sự: “Tôi rất xúc động. Trước tình hình Biển Đông đang căng thẳng, anh em trên đảo một lòng vì quê hương. Cuộc sống khó khăn nhưng các anh vẫn kiên cường giữ vững biển đảo quê hương. Qua chuyến đi này, mình thấy gần gũi hơn, thân thiết hơn, yêu hơn các chiến sỹ, cán bộ, người dân, mình muốn cất tiếng hát để mang hơi ấm của đất liền đến với biển đảo, mang tinh thần chung của cả nước đến với Trường Sa”.


Trong số các thành viên trong đội văn nghệ xung kích lần này, có người đã đến Trường Sa lần thứ 2. Họ mang theo nhạc cụ được chế tác từ những viên đá được tặng trong chuyến công tác lần trước và dùng chính những nhạc cụ ấy biểu diễn cho chiến sỹ trên đảo nghe. Giữa đảo xa, trong tiếng sóng biển, tiết mục hòa nhạc độc đáo được làm từ kỷ niệm Trường Sa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các chiến sỹ và các thành viên trong đoàn công tác.

 


Bài và ảnh: Lê Sơn