04:22 13/04/2015

Tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết

Trước thực tế số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước có chiều hướng gia tăng, ngày 13/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo: Người dân cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Trước thực tế số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước có chiều hướng gia tăng, ngày 13/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo: Người dân cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Tẩm màn bằng hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân.


Người dân phải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng, bọ gậy; rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà (như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...); dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

Đồng thời, người dân có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Đặc biệt, các gia đình cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây lan bệnh cho người khác.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên; kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc khiến cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...

Thu Phương