09:21 14/09/2011

Thuyền trưởng trở thành cướp biển-Kỳ 1: Sứ mệnh săn cướp biển

Thuyền trưởng William Kidd được xem là nhân vật không thể không nhắc tới trong lịch sử hàng hải thế giới. Kidd nổi danh vì được chính phủ và nhà vua Anh tin tưởng, giao cho sứ mệnh săn cướp biển.

Thuyền trưởng William Kidd được xem là nhân vật không thể không nhắc tới trong lịch sử hàng hải thế giới. Kidd nổi danh vì được chính phủ và nhà vua Anh tin tưởng, giao cho sứ mệnh săn cướp biển. Nhưng rồi, Kidd nhanh chóng quên đi trọng trách thiêng liêng này và biến mình thành một tên cướp biển khét tiếng. Cái giá cho hành động này là Kidd phải từ giã cõi đời trên giá treo cổ.


Kỳ 1: Sứ mệnh săn cướp biển

Ngày 4/7/1696, Thuyền trưởng William Kidd chỉ huy con tàu Adventure ghé thăm cảng và chào người dân Manhattan bằng hai loạt đại bác để báo hiệu lần trở về trong chiến thắng của mình. William Kidd, trước đó mười tháng đã ra đi trên một con tàu buôn xinh xắn, nay trở về trên con tàu chiến nguy nga. Thuyền trưởng Kidd về đây nhằm mục đích tuyển 150 người đàn ông khỏe mạnh để thực hiện sứ mệnh săn lùng cướp biển.

Thuyền trưởng Kidd.

Những ngày sau đó và nhất là vào các buổi tối, Kidd lang thang đến các tửu quán này để dán thông báo tuyển người. Kidd cũng phái một số thuyền viên đi thuyết giảng về chuyến đi này; họ tiết lộ rằng thống đốc mới được bổ nhiệm của New York, Bellomont, cũng như Đô đốc Russel là những người hậu thuẫn cho chuyến đi này, nhằm thu hút sự chú ý của các ứng viên.

Những người săn lùng cướp biển làm việc cho chính phủ. Họ được giao nhiệm vụ tấn công các tàu cướp biển của các nước đối địch. Người săn lùng cướp biển, trong giai đoạn phát triển cực thịnh, là một nghề được xã hội tôn trọng, một hình thức pha trộn giữa việc kiếm tiền và lòng yêu nước. Thông thường, một nhóm các nhà đầu tư kết hợp với nhau để hùn vốn cho một chuyến đi săn lùng tàu của cướp biển và đưa chúng về cảng như một chiến lợi phẩm và rồi bán đi. Đức Vua có thể nhận được một phần mười số lợi nhuận, Bộ Hải quân có thể được chia một phần ba. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng phần còn lại và việc phân chia giữa họ với nhau cũng như để trả công cho các thủy thủ được tiến hành theo thỏa thuận đã được ký kết từ trước. Cướp biển thì khác. Chúng không thèm đếm xỉa gì đến tất cả những quy định này. Không cần quan tâm đến việc chính phủ có cho phép hay không, chúng tấn công các tàu thuyền của mọi quốc gia và không phải chia của cải cướp được cho bất kỳ đô đốc hay nhà vua nào.

Con tàu Adventure.


Thuyền trưởng Kidd có lần đã bắt giữ một tàu cướp biển của Pháp hoạt động ngoài khơi bờ biển Tân thế giới. Sự việc diễn ra giống như một buổi dạ hội hóa trang hơn là một trận hải chiến. Con tàu chiến do Kidd chỉ huy nhằm thẳng con tàu Pháp lao đến và bắn ra một phát đại bác. Chiếc tàu của Pháp đầu hàng ngay lập tức. Phó Đô đốc Hải quân ở New York tuyên bố con tàu này trị giá 350 bảng Anh, tương đương với giá của hai tòa nhà ở Manhattan. Các thủy thủ Pháp được chuyển đến Boston để trao đổi với các tù nhân Anh đang bị giam giữ ở Canađa. Tuy nhiên, thành tích này của Kidd cũng chỉ khiến người ta nể phục chứ chẳng có ai đăng ký đi theo Kidd thực hiện sứ mệnh săn lùng cướp biển.

Lý do là bởi trong các tờ thông báo tuyển thủy thủ mà Kidd cho dán ghi rõ: 150 thủy thủ sẽ chia nhau một phần tư số của cải thu được, sau khi trừ hết mọi khoản chi phí - chẳng hạn như tiền ăn, thuốc thang và vũ khí. Họ thấy rằng, tỉ lệ chia chác này chẳng có lợi cho các thủy thủ. Chỉ tính riêng tiền vũ khí cũng mất 6 bảng Anh hay tương đương với ba tháng lương của một thủy thủ bình thường. Kidd giải thích với họ rằng, tỉ lệ này là do cấp trên của ông ở Luân Đôn quyết định. Trong khi đó, các thủy thủ ở New York biết rằng, bọn cướp biển được giữ toàn bộ của cải cướp được và không phải chia cho bất kỳ ai. Vì thế, mặc dù sở hữu một con tàu chiến mới và một chuyến đi hứa hẹn nhiều hấp dẫn, Thuyền trưởng Kidd không thể tuyển được một thủy thủ nào.

Sắc lệnh của Vua William trao quyền cho Kidd săn lùng cướp biển.


Nhận thấy nếu cứ nhất mực thực thi theo quy định của cấp trên, con tàu Adventure sẽ mãi mãi nằm ngủ trên cảng nên Kidd quyết định chia phần lớn số của cải thu được (ba phần tư) cho thủy thủ đoàn và một phần tư chỗ còn lại cho nhà Vua và những nhà đầu tư khác. Ngay khi thông báo mới được đưa ra, lập tức có 100 người đăng ký đầu quân cho Kidd. Họ là những người đến từ khắp nơi, thậm chí cả từ bang Massachusetts và Maryland, trong đó có cả một cựu cảnh sát trưởng tên là English Smith và một nửa tá trẻ con. Những cậu bé này sẽ có nhiệm vụ chuyển thuốc súng từ kho cho các pháo thủ khi nổ ra giao tranh với những tên cướp biển.

Sau đó, Kidd tuyển dụng được thêm một số thủy thủ, nhiều người trong số này đã từng là hải tặc, như Israel, John Brown và kẻ chuyên gây rối William Moore. Lúc 18 tuổi, Moore đã từng bị bắt ở New York vì có hành động tấn công chính thuyền trưởng của hắn. Vì tội danh đó, hắn phải ngồi tù hai năm. Nhưng Kidd không để tâm đến những chi tiết đó vì ông rất cần một pháo thủ cừ khôi như Moore.

Cuối tháng 8 là thời điểm Kidd chuẩn bị lên đường. Các thủy thủ khuân hết thùng nọ tới thùng kia lên boong tàu, những cánh buồm được sửa sang lại. Ngày 1/9, Kidd quyết định ở trên con tàu Adventure một thời gian để hoàn thiện những công việc cuối cùng trước khi ra khơi. Ông phải rời ngôi nhà trên phố Pearl. Đôi mắt Kidd lướt qua một lượt các bức tường trong nhà; ông ngồi lần cuối trên một chiếc ghế trong phòng khách; ăn bữa ăn cuối cùng trong phòng ăn; chơi đùa với vợ con lần cuối cùng.

Cuộc chia tay diễn ra khá nặng nề bởi Kidd rất yêu thương vợ con. Hai người biết rằng, họ sẽ phải xa nhau sau ít nhất một năm rưỡi, nếu như còn có ngày gặp lại.

Khánh Chi (Tổng hợp)