12:10 16/12/2010

Thương mại, đầu tư Việt Nam từ góc nhìn của Eurocham

Mới đây, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã công bố sách trắng đề cập đến những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp (DN) thành viên tại Việt Nam.

Mới đây, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã công bố sách trắng đề cập đến những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp (DN) thành viên tại Việt Nam.

Trong lời mở đầu, Chủ tịch Eurocham, Alain Cany nêu rõ danh mục cuốn sách cơ bản như lần xuất bản trước, song bổ sung thêm khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành công nghiệp đang hoạt động, chỉ ra những thành tựu căn bản của năm 2010 và hy vọng 2011 sẽ là năm đầy hứa hẹn với dự báo mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt qua 6,5%.

Về tổng quan, năm 2010 Việt nam đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi từ một nước có thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình thông qua thúc đẩy lợi thế bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, chi phí nhân công thấp, ưu thế vị trí địa lý, sự ổn định chính trị và sức hấp dẫn của thị trường có tiềm năng rộng lớn. Tuy nhiên, Việt Nam không thể trông đợi có thể kéo dài, bởi tài nguyên thiên nhiên có hạn, vốn ODA giảm sút hoặc không liên tục, còn chi phí tiền lương lại có xu hướng tăng cao. Eurocham cho rằng, chìa khóa để đạt được sự phát triển bền vững là dịch chuyển từ xuất khẩu sản phẩm có giá trị thấp sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là những ngành có hàm lượng công nghệ sáng tạo.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương).


Eurocham đánh giá cao công cuộc cải cách hành chính với việc ban hành Nghị định 25 của Chính phủ, cam kết đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính (TTHC) và Nghị định 102/2010/NĐ - CP (có hiệu lực từ ngày 15/11 /2010), thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với DN nước ngoài. Theo đó, DN nước ngoài thành lập tại Việt Nam có vốn đầu tư không quá 49% vốn điều lệ, được áp dụng những điều kiện như với nhà đầu tư trong nước, đã giúp hoạt động của các công ty có vốn sở hữu nước ngoài được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tiến trình phê duyệt đầu tư và thành lập DN vẫn gặp khó khăn và tốn thời gian.

Do những phức tạp của TTHC và đôi khi thiếu sự phối hợp, nhất quán và quy định còn khác biệt giữa các cấp chính quyền nên không ít nhà đầu tư đã phải chờ đợi từ 5 - 6 tháng mới có được giấy phép kinh doanh, trong khi tại nhiều nước khu vực, công việc này chỉ mất từ 5 - 6 tuần. Phân tích hiện trạng thương mại/ đầu tư năm 2010, giới nghiên cứu cho rằng, trong 98 kiến nghị liên quan đến thực hiện cam kết WTO về cấp phép đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT), phát triển nguồn nhân lực, mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác công tư, vận tải giao nhận, năng lượng, ngân hàng, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng, ô tô, xe máy, du lịch, thực phẩm dinh dưỡng... chỉ có 12,3% kiến nghị triển khai có hiệu quả, 29,6% được cải thiện, 58,1% còn lại không được cải thiện hoặc chưa triển khai.

Trong hoạt động của DN, sở hữu trí tuệ (SHTT) được coi là động lực để nghiên cứu và cải tiến sản phẩm; đây là nhân tố quyết định phát triển sản phẩm mới, bảo vệ sáng kiến và quan trọng là đảm bảo để phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Hình sự liên quan đến xâm phạm SHTT có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài; song vẫn còn nhiều phiền toái trong thực thi QSHTT, tốn thời gian và việc bảo vệ còn nặng lý thuyết, khiến chủ sở hữu hầu như không thể hành động kịp thời để tự bảo vệ mình trước những người sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

Nâng cao kỹ năng và năng suất nguồn lực lao động là vấn đề cốt lõi trong chuyển dịch sản xuất hàng hóa của DN và cơ cấu nền kinh tế. Về mặt này, Việt Nam được xếp là nước yếu tại ASEAN với trên 65% lực lượng lao động không có kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt, đối với lao động có tuổi đời từ 20 - 24, mức độ còn nghiêm trọng hơn khi có tới 78% không có hoặc thiếu kỹ năng chuyên môn. Nhiều DN chấp nhận rủi ro, sẵn sàng chi trả kinh phí gửi nhân viên ra nước ngoài học tập; nhưng người được đào tạo không trở lại làm việc hoặc nghỉ việc không lâu sau khi đào tạo. Giới chức Eurocham nhấn mạnh, cải thiện chất lượng lao động là vấn đề cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh DN và của toàn bộ nền kinh tế.

Phát triển cơ sở hạ tầng là đòi hỏi cơ bản để đạt được sức cạnh tranh khu vực và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phân tích hạ tầng giao thông, chuyên gia Eurocham chỉ ra cảng biển Cái Mép và Thị Vải với độ sâu nạo vét 14m đạt được tiêu chuẩn quốc tế và điều quan trọng là Việt Nam cần có chiến lược cảng biển rõ ràng. Có thể chỉ cần 4 - 5 cảng biển phía Nam, 2 - 3 cảng lớn ở phía Bắc và 1 - 2 cảng miền Trung được xây dựng tốt sẽ hiệu quả hơn là phát triển 50 - 60 cảng biển nhỏ nằm rải rác tại các tỉnh khác nhau. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét trong toàn bộ chuỗi cung cấp để các con đường kết nối có thể phát triển trong hoạt động thương mại tương lai.

Về nguồn năng lượng, sản lượng điện cung cấp hàng năm đạt bình quân 1.000 KWh/người, được coi là mức tiêu thụ điện thấp ở châu Á. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, muốn tăng trưởng GDP 6 - 7%/năm, năng lượng điện phải tăng hàng năm từ 12 - 15%. Việc xây dựng các nhà máy điện không theo kịp nhu cầu đã dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng. Theo ước tính, Việt Nam cần từ 70 đến 80 tỉ USD để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, cảng biển... và lên đến 140 tỷ USD nếu bao gồm cả cơ sở hạ tầng cho năng lượng. Cân đối nguồn vốn, Chính phủ Việt Nam không đủ từ nguồn ngân sách; còn tăng nợ nước ngoài và đóng góp của các nhà tài trợ lại không thực tế. Eurocham cho rằng, hợp tác Nhà nước - tư nhân sẽ là chìa khóa quan trọng để cải thiện cơ sở hạ tầng. Để thúc đẩy mạnh hoạt động này, điều cần là cải thiện, thực hiện một khung pháp lý toàn diện cho các dự án hợp tác công - tư với những cam kết thực sự và bền vững thông qua ngân hàng trong môi trường kinh tế hiện nay.

Sách trắng Eurocham 2011 cũng cho rằng, cải cách cơ cấu để nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế phải là một ưu tiên trong lịch trình, đây là lúc Chính phủ nên tập trung giải quyết những rào cản để nâng cao khả năng cạnh tranh trên các mặt chất lượng lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp năng lượng, khuyến khích hợp tác công - tư và tiếp tục cải cách pháp lý và hành chính.

TS Lê Thành Ý (Chi hội Nhà báo Quản lý Kinh tế))