Hàng Việt lo đối phó tại chợ bình dân

Mặc dù cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thời gian qua đạt được hiệu quả tích cực trong chuyển biến ý thức của người dân, nhưng tại các chợ bình dân, hàng Việt lại chịu sức ép rất khốc liệt từ hàng nhái nhãn mác “made in Vietnam”.

Bị nhái trên sân nhà

Là một người thích sử dụng mỹ phẩm Việt Nam, chị Hoàng Thanh Thương (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) rất bức xúc sau một lần bất cẩn mua phải hộp mỹ phẩm giả. Chị Thương kể lại: “Trong một lần đi mua hàng vội vàng, tôi đã mua phải một hộp kem trị mụn giả và khiến da bị dị ứng nổi mụn rất nhiều”.

Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn lan tại các chợ dân sinh ở Hà Nội.


Sản phẩm trị mụn cao cấp của Việt Nam ThoraKAO mà chị Thương thường sử dụng đã bị giả mạo nhãn mác thành ThoraKAOE khiến người mua nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra. Nhãn mác của sản phẩm giả này gần giống với hàng thật, chỉ khác nhau một chữ cái trong tên sản phẩm, mức giá tương đương. Nhìn kĩ mới phát hiện được dòng chữ “made in China” ở dưới đáy sản phẩm.

Mới đây ngày 11/3, đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tạm giữ gần 10.000 sản phẩm mỹ phẩm “Gội là đen TIGL” tại Trung tâm phân phối bán buôn dược, mỹ phẩm HAPULICO (ở phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân). Lô hàng này được sản xuất tại Trung Quốc nhưng đã giả mạo tên, địa chỉ của một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.

Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại một số khu chợ như Đồng Xuân, chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ đêm sinh viên (Cầu Giấy),… cho thấy tình trạng hàng giá rẻ Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam diễn ra rất phổ biến ở nhiều loại hàng hóa như quần áo, giầy dép, rau quả, mĩ phẩm…

Chia sẻ với phóng viên, một chủ cửa hàng bán hàng Việt Nam xuất khẩu trên phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc với những thủ đoạn nhái nhãn mác tinh vi của hàng Trung Quốc. “Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, người ta có thể biến những sản phẩm Trung Quốc giá rẻ thành hàng Việt Nam chất lượng cao.

Mỗi lô hàng được nhập về, chỉ cần gắn lên sản phẩm nhãn mác hàng Việt Nam là có thể vô tư bán với giá ngang ngửa hàng Việt Nam chất lượng. Bởi vậy, những sản phẩm chất lượng cao tại các cửa hàng có uy tín cũng bị cạnh tranh”.

Nhiều “chiêu” chiều tiểu thương

Hàng Trung Quốc không chỉ nhái về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu Việt Nam mà còn có nhiều “chiêu trò” để giữ chân giới tiểu thương bán hàng. Anh Hoàng Quốc Khánh (chủ kiốt bán giầy dép tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội), có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại chợ nên biết rất rõ mánh khóe để lấy lòng khách hàng.

Anh cho biết: “Cách làm việc của giới buôn hàng Trung Quốc rất khôn ngoan, họ tìm đủ mọi cách để ‘mua chuộc’ chúng tôi. Nếu chúng tôi lấy hàng với số lượng lớn hoặc làm ăn dài hạn sẽ được giảm giá gốc rất nhiều, thêm vào đó còn được tặng quà và những mặt hàng giá trị khác mỗi lần mua hàng của họ”.

Chị Nguyễn Thị Thoa (chủ kiốt số 19, chợ Nhà Xanh) cũng chia sẻ: “Thông thường lấy một lô hàng trong đó có 1.000 cái áo, chỉ cần bán hết khoảng 500 áo là có thể thu hồi lại vốn ban đầu, số còn lại chúng tôi có thể bán với những mức giá khác nhau để thu lãi, đồng thời giá có thể giảm đi đôi chút để thuận lòng khách mua hàng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng một loại mặt hàng, các tiểu thương tại các chợ ưa chuộng kinh doanh hàng Trung Quốc hơn hàng Việt Nam là bởi nhiều lí do. Trước hết, phải kể đến lợi nhuận khi kinh doanh những mặt hàng này.

Hàng Việt Nam tuy chất lượng cao hơn nhưng mẫu mã không phong phú bằng, khi mua chỉ mua được với số lượng ít, thu vốn lẻ tẻ nên lợi nhuận không cao.

Mặt khác, hiểu được tâm lý của các tiểu thương, giới buôn hàng Trung Quốc sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người kinh doanh. “Khi nhập hàng giá rẻ của Trung Quốc, chúng tôi chưa cần phải trả tiền ngay, chỉ cần ký nhận vào sổ và trả tiền sau khi bán hết số hàng đó.

Tiện lợi hơn, chúng tôi không phải vận chuyển hàng hóa, chỉ cần ghi tên mặt hàng, số lượng sẽ có hàng chuyển đến tận nơi”, một chủ kiốt bán quần áo tại chợ Đồng Xuân cho biết.

Chính bởi những lợi thế trên nên hàng Trung Quốc được các tiểu thương Việt Nam ưa chuộng. “Chúng ta phải nhìn lại mình, tổ chức, kiểm soát, thiết lập chuỗi phân phối hàng hóa chuyên nghiệp.

Xây dựng chuỗi các cửa hàng hoàn hảo bán hàng Việt Nam như mô hình bán hàng Thái Lan, cải tiến về mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm… Có như vậy hàng Việt mới không bị lấn át ngay trên sân nhà”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhấn mạnh.


Bài và ảnh: Lê Xuân

Hướng người Việt biết yêu hàng Việt
Hướng người Việt biết yêu hàng Việt

Lễ trao giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2014 - lần thứ I, diễn ra sáng 15/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN