01:12 03/01/2015

Thương hiệu Quốc gia chứng tỏ năng lực cạnh tranh

Cách đây hơn 10 năm, Chính phủ khởi động Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) để hướng đến mục tiêu quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Cách đây hơn 10 năm, Chính phủ khởi động Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) để hướng đến mục tiêu quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp(DN) và THQG để xây dựng năng lực cạnh tranh ngày càng quan trọng.

Cạnh tranh trong nước và quốc tế mạnh mẽ hơn

Cùng với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ của các Hiệp định Thương mại tự do với khu vực và khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa của DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với sản phẩm hàng hóa ngoại nhập. Mặt khác, khi thị trường thế giới đã mở rộng nhưng nếu DN Việt Nam không xây dựng được thương hiệu thì cũng không thể tiến ra thị trường thế giới.

Kiểm tra chất lượng gạch ốp lát cotto tại Công ty Viglacera Hạ Long (Tổng Công ty Viglacera). Tổng Công ty Viglacera là 1 trong 63 DN nhận Thương hiệu Quốc gia 2014. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Trong buổi gặp gỡ 63 DN đạt THQG năm 2014 vừa diễn ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhắc nhở các DN đừng bao giờ quên mục tiêu quan trọng là làm thế nào để các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn nữa. Bởi việc hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

“Chương trình hướng tới việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng và các nhà phân phối trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tăng thêm uy tín, niềm tự hào về đất nước, con người Việt Nam, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam, qua đó góp phần thu hút du lịch và đầu tư nước ngoài”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Theo đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong tiến trình đổi mới và xây dựng kinh tế thị trường vừa qua, các DN đã có nhiều nỗ lực nhưng số DN đạt THQG ít quá. “Để nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, chất lượng của nền kinh tế tốt hơn, quy mô vững chắc hơn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi có nhiều luật mới, sửa đổi sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, để cạnh tranh tốt hơn, các DN phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ”.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà đội ngũ DN yếu kém thì không thể làm được. Do đó, phải làm sao để khuyến khích mọi người ra sức sản xuất, kinh doanh. “Càng nhiều DN đạt được kết quả như 63 DN THQG thì nền kinh tế mới có sức sống mạnh mẽ. Tôi mong các DN đạt THQG sẽ hợp tác với các DN trong ngành hàng của mình để truyền thụ kinh nghiệm, hợp tác lẫn nhau để cứ 2 năm một lần, số DN đạt THQG sẽ đông đảo hơn. Phấn đấu để đến năm 2020 có 1 triệu DN và sức cạnh tranh phải mạnh hơn để DN không chỉ thắng lợi trên sân nhà mà còn thắng lợi ở cả thị trường khu vực và thế giới nữa”, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn.

Tại lễ trao giải cho 63 DN đạt THQG 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá, trong những năm qua, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng các DN đạt THQG vẫn duy trì, xây dựng và phát triển thị trường. Điều này chứng tỏ năng lực và bản lĩnh của DN Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn DN phải chủ động, sáng tạo và nỗ lực hơn nữa trong sự phát triển kinh doanh của mình. “THQG chứng tỏ năng lực cạnh tranh của mỗi nước. Nếu không có các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu thế giới thì không thể mở rộng thị trường khi xu hướng hội nhập rộng”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho biết, đến nay, Chương trình THQG đã có những thành công đáng ghi nhận, tập trung vào 2 nội dung chính. Một là, giúp các DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu. Hai là, lựa chọn các thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG để hỗ trợ phát triển theo các giá trị của chương trình. Trên cơ sở đó, Nhà nước cùng với các DN xây dựng các chương trình hành động cụ thể để tăng cường năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn, hướng tới 3 giá trị cốt lõi mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay là: Chất lượng - đổi mới, sáng tạo và năng lực lãnh đạo.

DN chủ động ứng phó với cạnh tranh


Tham gia Chương trình THQG, nhiều DN cũng đã xác định và có giải pháp để chủ động ứng phó với cạnh tranh mạnh mẽ ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, đạt được THQG là điều khó nhưng giữ được và duy trì được cũng không phải là điều đơn giản. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, gần như tất cả các DN sữa hàng đầu thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được triển khai mạnh mẽ nhưng nếu hàng Việt không tốt thì không thể cạnh tranh được. “Vinamilk đã chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, nắm bắt tốt nhu cầu người tiêu dùng để đưa ra những dòng sản phẩm đa dạng. Đến thời điểm này, tổng thị phần của Vinamilk trên thị trường đạt gần 50%. Vinamlik đã xuất khẩu sản phẩm sữa tới 31 quốc gia và vùng lãnh thổ”, ông Khánh chia sẻ bí quyết.

Hội đồng THQG đã công nhận 63 DN đạt THQG năm 2014, trong đó có 48 DN đã đạt THQG từ các lần xếp chọn trước, 23 DN liên tiếp 4 lần đạt THQG, 11 DN 3 lần liên tiếp và 14 DN 2 lần liên tiếp đạt THQG. Năm nay, có thêm 15 DN lần đầu tiên đạt THQG.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, không phải đến giai đoạn này mà từ trước đến nay, ở phân khúc hàng giá rẻ, các DN đã luôn phải chịu sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan; hàng cao cấp thì phải cạnh tranh với hàng Nhật, Đức… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, DN muốn phát triển phải chấp nhận cạnh tranh là xu thế tất yếu, quan trọng là phải có giải pháp chiến lược nâng cao sức cạnh tranh. Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, đến nay, Viglacera đã luôn tiên phong cung cấp cho thị trường nhiều dòng sản phẩm vật liệu xây dựng chủ lực như kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch cotto, gạch ốp lát ceramic và granite. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, ở thị trường trong nước, các sản phẩm của Viglacera vẫn đang phải cạnh tranh với hàng ngoại… Nhưng ít người tiêu dùng biết rằng, các sản phẩm của Viglacera đang được xuất khẩu sang thị trường hơn 40 nước trên thế giới: Indonesia, Nga, Pháp, Italia, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, để xây dựng sản phẩm đạt THQG, ngoài trách nhiệm của DN thì rất cần sự phối hợp trong quản lý của các bộ, ngành. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen nhận định: "Quản lý nhà nước hiện nay quá lỏng lẻo vì không quan tâm đến chất lượng sản phẩm DN. Vẫn có tình trạng “bỏ mặc” DN nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc rồi dán nhãn Việt Nam để xuất khẩu. Tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát tốt cũng là vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN. Nếu thiếu quản lý chất lượng sản phẩm thì sản phẩm made in Việt Nam sẽ dần dần mất uy tín trên thị trường”. Theo ông Vũ, muốn xây dựng sản phẩm thương hiệu cần thẩm định chất lượng và thương hiệu. Nên có sự thẩm định đánh giá về chất lượng để DN phải đưa ra những sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần chú trọng hỗ trợ DN sản xuất và kinh doanh, tránh tình trạng dồn nguồn lực quốc gia vào chứng khoán, bất động sản mà quên đi đầu tư sản xuất để thị trường có thêm nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, có tính cạnh tranh và đạt tiêu chí của THQG.

Thu Hường - Nam Hoàng