09:23 13/09/2012

Thuốc nội: Bài 5 - Rắc rối chuyện đấu thầu thuốc

Cho đến nay, vẫn thiếu những văn bản quy định các cơ sở y tế phải ưu đãi đối với thuốc nội trong quá trình đấu thầu vào bệnh viện hoặc nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nội hàng năm.

Cho đến nay, vẫn thiếu những văn bản quy định các cơ sở y tế phải ưu đãi đối với thuốc nội trong quá trình đấu thầu vào bệnh viện hoặc nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nội hàng năm.

 

Khó kiểm soát bệnh viện “hứng thầu”


Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chuyện đấu thầu thuốc trong bệnh viện hiện còn khá nhiều bất cập. Vậy nên, ngoài Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 19/1/2012 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế (Thông tư 01) các đơn vị y tế và doanh nghiệp dược đang rất mong chờ Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế nhằm chuẩn bị cho việc đấu thầu thuốc năm 2013.


 

Người bệnh phải chịu nỗi đau bệnh tật và gánh nặng chi phí khi thuốc chữa bệnh điều chỉnh tăng giá liên tục.

 

“Khi Thông tư hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế được ban hành, sẽ có sự thống nhất chung về việc xây dựng tiêu chí, thang điểm đối với các hồ sơ mời thầu chứ nếu để các bệnh viện tự xây dựng tiêu chí như hiện nay sẽ khó tránh bất cập. Thực tế, doanh nghiệp dược trong nước có thể không trúng thầu không phải vì giá cao hay vì chất lượng kém mà có thể chỉ vì một lỗi kỹ thuật nào đó. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên nếu doanh nghiệp dược có giá rẻ nhất lại không trúng thầu hoặc cùng với mức giá đó, họ có thể trúng thầu ở bệnh viện này nhưng ở bệnh viện khác thì không”, bà Lan nói.


Để tránh tình trạng một số bệnh viện cố tình “hứng thầu”, thời gian qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn (mang tính chất gợi ý) cho các đơn vị trong công tác đấu thầu, yêu cầu các bệnh viện đưa ra một số tiêu chí chung trong việc xây dựng hồ sơ. Mục đích nhằm tránh tình trạng vì bệnh viện muốn chọn mặt hàng A trúng nên lấy các tiêu chí của mặt hàng này xây dựng tiêu chí chung để đánh giá các hồ sơ khác (dư luận gọi là “hứng thầu”) và khiến các mặt hàng khác dễ bị rớt thầu.


“Ngay Thông tư 01, một văn bản mới nhất về đấu thầu thuốc cũng còn nhiều hạn chế. Đơn cử, trong Thông tư 01 vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về việc ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, chưa đưa ra được các điều kiện để đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của đơn vị tham gia đấu thầu và đơn vị mời thầu. Chưa có quy định ràng buộc các đơn vị khám chữa bệnh phải thanh toán đúng thời hạn; phải lấy hết số lượng thuốc đã trúng thầu, trong khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu khi trúng thầu phải đảm bảo giữ giá và cung ứng đủ hàng trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng thầu”, một đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho hay.


Dược sĩ Trần Thị Đào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm cũng chia sẻ: "Trong Thông tư 01 có một số điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp dược Việt Nam khi tham gia đấu thầu, đó là các doanh nghiệp trong nước có những sản phẩm Generic sẽ tách riêng một nhóm, tức là 100% doanh nghiệp đạt GMP- WHO trong nước đều có thể tham gia thấu thầu. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo lắng là nếu chỉ chọn một sản phẩm có giá rẻ nhất thì liệu một doanh nghiệp đó có thể cung ứng nổi cho cả khu vực, thậm chí cả nước được không. Và những doanh nghiệp còn lại sẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh như thế nào...”.


Vậy nên, bà Đào cho rằng Thông tư hướng dẫn Hồ sơ mời thầu mà Bộ Y tế sắp ban hành cần có thêm nhiều tiêu chí để các doanh nghiệp dược có thêm cơ hội, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và có đầu tư chiều sâu vào chất lượng sản phẩm đồng thời phù hợp với thực trạng công nghiệp dược Việt Nam (sản xuất trùng lặp, nhà nhà cùng sản xuất kháng sinh, vitamin...).

 

Tạo cơ chế để đưa thuốc nội vào bệnh viện


“Để thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện mua sắm công đều phải chú ý sử dụng hàng hóa Việt Nam sản xuất. Thiết nghĩ mặt hàng thuốc sản xuất trong nước cũng cần phải được ưu tiên sử dụng trong hệ thống công lập, nghĩa là cần tạo cơ chế chính sách để đưa thuốc nội vào sử dụng rộng rãi hơn trong hệ thống các bệnh viện. Thậm chí cũng cần phải tính đến việc thay đổi phương thức đấu thầu đối với thuốc nội”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.


Theo PGS.TS Phong Lan, thay bằng việc tổ chức đấu thầu, Bộ Y tế hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí và thương thảo với các doanh nghiệp dược trong nước về việc sản xuất những mặt hàng thuốc (sử dụng nhiều và được bảo hiểm y tế chi trả) rồi cung cấp chung cho toàn bộ hệ thống điều trị. Như vậy sẽ tiết kiệm được ngân sách, đồng thời tránh được tình trạng mỗi sở y tế, mỗi bệnh viện tổ chức đấu thầu thuốc thì đưa ra những tiêu chí khác nhau và giá cả chênh lệch mỗi nơi mỗi giá...


“Ngành y tế cần phải quy định một tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước tăng dần theo các năm trong kế hoạch đấu thầu của các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời có chính sách cụ thể đối với hệ thống khám chữa bệnh để tăng cường kê đơn và sử dụng thuốc Việt như: Quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng thuốc Việt cho từng tuyến khám chữa bệnh. Kiện toàn hội đồng thuốc điều trị, nâng cao nhận thức của bác sỹ trong việc kê đơn sử dụng thuốc Việt, xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng trong việc đấu thầu thuốc hay nhận hoa hồng…”, ông Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, đề xuất.

 

Phương Liên

 

Bài cuối: Siết quy chế để bác sĩ kê toa thuốc nội