03:15 26/03/2012

Thuế sử dụng đất gây khó cho doanh nghiệp

Thuế sử dụng đất đang là vướng mắc lớn đối với tất cả các DN, không chỉ trong lĩnh vực bất động sản. Nhà nước cần có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình chung của các DN, để danh sách nợ đọng thuế sẽ không tiếp tục dài thêm, là đề xuất của rất nhiều DN bất động sản.

Thuế sử dụng đất đang là vướng mắc lớn đối với tất cả các doanh nghiệp, không chỉ trong lĩnh vực bất động sản. Nhà nước cần có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình chung của các doanh nghiệp, để danh sách nợ đọng thuế sẽ không tiếp tục dài thêm, trong thời gian tới, là đề xuất của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản.


Trong những ngày qua, vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp bất động sản được đề cập tới khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và được coi là bằng chứng cho thấy sự suy yếu của các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và sự giảm sút của thị trường bất động sản nói chung.


Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) hiện nợ thuế khoảng 400 tỷ đồng; Công ty TNHH Berjay-Handico12 (chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thạch Bàn) nợ hơn 225 tỷ đồng; Công ty Thương mại Dịch vụ Nam Cường nợ hơn 69 tỷ đồng... Ngoài những giải trình, phân tích nguyên nhân nợ thuế là do chịu ảnh hưởng từ việc điều chỉnh quy hoạch, do khó xác định giá thị trường để đền bù nên chậm trễ trong giải phóng mặt bằng…. còn có nhiều ý kiến cho rằng, thuế sử dụng đất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ đọng.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Năm 2009, tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Tp. Hồ Chí Minh) đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân cũng vì sự nhập nhằng trong phương pháp tính thuế sử dụng đất, áp dụng đối với chủ đầu tư, hoặc đối với chính người dân mua căn hộ. Sau nhiều năm, đến nay, sự việc vẫn chưa có hồi kết và chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao của những người trong cuộc. Ông Trần Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty bất động sản VinaLand đưa ra ví dụ và nhận định: đang còn rất nhiều lấn cấn trong việc xác định tiền thuế sử dụng đất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và kể cả với người dân.


Theo Luật Đất đai, giá thị trường được xem là cơ sở để xác định chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương hoặc chủ đầu tư thực hiện dự án sẽ chịu trách nhiệm đền bù đối với người dân bị thu hồi đất. Theo Nghị định 53/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, giá của 1 m 2 đất tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày 1/1/2012. Trong khi đó, khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định lại phải được xác định sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường, và việc điều chỉnh giá đất phải được cập nhật hàng năm, dao động trong phạm vi 20% so với mức đã được công bố. Như vậy, một nghịch lý là, doanh nghiệp sẽ cùng lúc phải chịu áp dụng 2 lần mức giá thị trường cho cùng một thửa đất và mức thuế ổn định theo chu kỳ 5 năm sẽ căn cứ vào khung giá đất nào để tính. Ông Hoàng cho rằng, sự không minh bạch này đã, đang và sẽ còn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế khiến nhiều doanh nghiệp khó tính toán những khoản tăng thu quá lớn ngoài kế hoạch kinh doanh, nên họ trì hoãn nộp thuế là điều dễ hiểu. Đây là vấn đề cần làm rõ, vì nhiều dự án đã được xây dựng giá và bán đến tay người tiêu dùng, nay tăng thu thuế sử dụng đất, thì “doanh nghiệp lấy đâu ra, không lẽ thu lại từ người dân”.


Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Vinacomin Land, bổ sung thêm, tăng thuế sử dụng đất không chỉ dẫn tới tình trạng nợ đọng thuế, mà còn gây sức ép lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản vì khó có thể giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cao và thị trường giao dịch thì ảm đạm. Dù doanh nghiệp có hay không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất đối với Nhà nước thì quyền lợi của người dân mua nhà chắc chắn vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ cho người dân sẽ bị kéo dài, thậm chí có thể dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp... ông Hùng cảnh báo.


Thuế sử dụng đất đang là vướng mắc lớn đối với tất cả các doanh nghiệp, không chỉ trong lĩnh vực bất động sản. Nhà nước cần có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình chung của các doanh nghiệp, để danh sách nợ đọng thuế sẽ không tiếp tục dài thêm, trong thời gian tới, là đề xuất của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản.


Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn và đi lên, Nhà nước nên thu thuế sử dụng đất theo từng giai đoạn, hoặc đảm trách việc đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho doanh nghiệp. Điều đó không chỉ đẩy nhanh tiến độ dự án, thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán thu hồi đất đai với người dân, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo toàn nguồn lực, tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thay vì phải lo huy động vốn từ bên ngoài - ông Hùng đề xuất.


Cũng theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp bất động sản, giãn thuế cho doanh nghiệp, cũng sẽ giảm áp lực nợ đọng, kể cả đối với ngành thuế, lẫn ngân hàng. Nhờ đó, phần nào giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường bất động sản. Thị trường có mua, có bán, các tài sản thế chấp có thể được phát mại và phát mại theo mức giá dự định… sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xốc lại mình và vực dậy thị trường.


Thạch Huê