12:08 07/12/2012

Thuế, phí bảo vệ môi trường còn nhiều tranh cãi

Các công cụ kinh tế trong quản lí môi trường như thuế, phí bảo vệ môi trường nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu đến dự hội thảo “Luật Bảo vệ môi trường 2005: Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung” do Tổng cục Môi trường tổ chức hôm qua (6/12) tại Hà Nội.

Các công cụ kinh tế trong quản lí môi trường như thuế, phí bảo vệ môi trường nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu đến dự hội thảo “Luật Bảo vệ môi trường 2005: Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung” do Tổng cục Môi trường tổ chức hôm qua (6/12) tại Hà Nội.


Sau gần 7 năm kể từ khi có hiệu lực, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đã phát huy nhiều tác dụng trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên luật cũng bộc lộ một số điểm hạn chế. Trong 136 điều của Luật BVMT thì có 30 điều (chiếm 22%) liên quan đến các công cụ kinh tế gồm thuế, quỹ, phí BVMT, cơ chế hỗ trợ tài chính BVMT. Ông Đỗ Nam Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản lí môi trường cho rằng các quy định về công cụ kinh tế trong Luật BVMT 2005 là tương đối đầy đủ; các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chủ yếu là do chưa có văn bản hướng dẫn hoặc văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, hợp lí.


Đối với các quy định về phí BVMT, các đại biểu thừa nhận những vấn đề còn tồn tại trong luật như: khoản 2 và 3 điều 112 quy định cơ sở tính phí dựa trên sức chịu tải của môi trường là không khả thi. Trong khi đó khoản 4 điều 113 lại chưa quy định việc phân bổ nguồn thu nên các địa phương gặp khó khăn trong thực hiện. Ông Đỗ Nam Thắng đề xuất sửa đổi điều 113, quy định rõ phân bổ nguồn thu từ phí như thế nào, ví dụ ngân sách địa phương, quỹ BVMT địa phương, ngân sách Trung ương...


Ngoài ra, Viện Khoa học quản lí môi trường còn đề xuất bổ sung vào luật các công cụ kinh tế mới như: chi trả dịch vụ môi trường, thuế tài nguyên và GDP xanh. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, cần thời gian để nghiên cứu kĩ lưỡng các công cụ kinh tế này trước khi đưa vào luật và phải căn cứ trên tình hình thực tiễn ở Việt Nam.


Hoàng Dương