10:13 15/10/2016

Thực trạng buồn về nhân lực bảo tàng

Về số lượng, nguồn nhân lực bảo tàng hiện chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Về chất lượng, hệ thống bảo tàng Việt Nam đang thiếu những người có trình độ chuyên môn sâu. Đó là đánh giá chung của nhiều chuyên gia về nguồn nhân lực trong ngành bảo tàng hiện nay.

Phân bố không đồng đều

Theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tính đến tháng 8/2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có 243 công chức, viên chức, viên chức, người lao động. Nguồn nhân lực của bảo tàng có trình độ học vấn tương đối tốt, với 3 tiến sỹ (1%), 44 thạc sỹ (chiếm 17%) và 140 cử nhân (chiếm 58%)… Tuy nhiên, số viên chức trong bảo tàng có thể sử dụng ngoại ngữ làm việc hiện còn hạn chế. Số viên chức có trình độ đại học ngoại ngữ rất ít: tiếng Anh 13, tiếng Pháp 3, tiếng Trung 2, tiếng Nga 1 và Hán Nôm 1. Ông Nguyễn Văn Cường cũng thừa nhận, bên cạnh đội ngũ chuyên gia các thế hệ của bảo tàng luôn đồng hành, và một số viên chức được đào tạo căn bản, có kiến thức nền tốt, thì đa số viên chức chưa đủ kiến thức và kỹ năng tổng hợp đáp ứng công việc chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ và công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn hạn chế…

Khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) đưa ra con số thống kê về nguồn nhân lực bảo tàng hiện nay, theo đó, Việt Nam hiện có gần 3.000 cán bộ, viên chức công tác trong ngành bảo tàng, trong đó có trên 50% cán bộ bảo tàng có trình độ chuyên môn là cử nhân, khoảng 4,5% người có trình độ thạc sỹ, 1,2% có trình độ tiến sỹ và khoảng 0,3% số người có học hàm phó giáo sư.

Ông Phạm Định Phong cũng chỉ ra rằng, không chỉ thiếu về lượng, yếu về chất, nguồn nhân lực bảo tàng hiện nay phân bố không đồng đều, dẫn đến hiệu quả hoạt động không đều giữa các vùng, miền. Theo đó, những bảo tàng lớn hoặc nằm ở các vị trí trung tâm như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… có 70-90% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, trong khi tỷ lệ này ở những bảo tàng tỉnh, vùng sâu, vùng xa chỉ chiếm 20-40%.

Trong “Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, có nội dung quan trọng là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành bảo tàng, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo tàng có chuyên môn sâu, kỹ năng tác nghiệp giỏi… Và sau hơn 2/3 chặng đường thực hiện quy hoạch, hệ thống bảo tàng ở nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, với 123 bảo tàng công lập, 31 bảo tàng ngoài công lập đang hoạt động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho bảo tàng vẫn trong cảnh thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao.

Thiếu nhân lực trình độ cao

Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, chúng ta có một hệ thống các bảo tàng, nhưng chúng ta chưa có một nền bảo tàng học phát triển, một đội ngũ các nhà bảo tàng học theo đúng nghĩa của từ này. Chúng ta đã và đang thiếu trầm trọng các chuyên gia nghiên cứu sâu về sử học, nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học (bao gồm cả lý luận và phê bình) các cán bộ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn bảo tàng và các lĩnh vực chuyên môn khác như thiết kế trưng bày, thiết kế đồ họa, maketing… Số đông các cán bộ bảo tàng còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm và liên nhóm, trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của một bảo tàng hiện đại. Rất ít cán bộ bảo tàng sử dụng thành thạo 1 trong 4 ngoại ngữ thông dụng quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc, do đó không có khả năng và cơ hội cập nhật kịp thời những quan điểm, những vấn đề mới, những thành tựu mới của bảo tàng học trên thế giới…

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng, về số lượng, nguồn nhân lực bảo tàng hiện chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Về chất lượng, hệ thống bảo tàng đang thiếu những người có trình độ chuyên môn sâu. “Một số bảo tàng lớn đã có các phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật theo chất liệu. Chẳng hạn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật khảo cổ chất liệu đồng và gốm; Bảo tàng Hồ Chí Minh có phương tiện bảo quản tài liệu giấy, ảnh, vải; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bảo quản tốt các tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa…, nhưng lại thiếu các chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực bảo quản hiện vật. Tình trạng này diễn ra khá lâu rồi”, ông Đặng Văn Bài nói.

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực bảo tàng, ông Phạm Định Phong cho rằng, nước ta mới quan tâm đào tạo bậc đại học ngành bảo tàng từ khoảng 20 năm trở lại đây. Những năm đầu, việc đào tạo này thuộc một chuyên ngành của Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), sau này chủ yếu do Khoa Di sản văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh thực hiện. Các cơ sở đào tạo khác chưa có những chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về bảo tàng nên trong nguồn nhân lực bảo tàng hiện có nhiều người được đào tạo từ những chuyên ngành khác…

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội còn đưa ra một thực trạng, hiện nay, số sinh viên chọn học ngành bảo tàng ít hơn các ngành khác, bởi nhiều người không biết học xong sẽ làm gì. Một số bảo tàng, do kinh phí hạn hẹp nên chưa quan tâm đến công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho cán bộ. Hơn nữa, mức lương thấp nên không thu hút được cán bộ có nhiệt huyết, đam mê cống hiến cho sự nghiệp bảo tàng.

Theo ông Phạm Định Phong, nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tàng là nguồn lao động có tính đặc thù, đa lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề đào tạo, trong khi đó, các cơ sở đào tạo hiện nay chưa có những chuyên ngành đào tạo trực tiếp, chuyên sâu về các lĩnh vực hoạt động bảo tàng, mà chủ yếu được đào tạo từ các chuyên ngành gần gũi, cận kề hoặc có liên quan đến lĩnh vực hoạt động thực tiễn về bảo tàng, như: Di sản văn hóa (nói chung), lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, văn học, văn hóa dân gian, ngoại ngữ, mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng, hóa học…

Theo ông Phong, sẽ là không tưởng nếu đòi hỏi một cơ sở có thể đào tạo được những người đủ trình độ tổng hợp, hoặc đào tạo được đủ các lĩnh vực khoa học đáp ứng được mọi yêu cầu như trên. Điều đó lý giải, vì sao những người trưởng thành, nên nghề, nên nghiệp trong lĩnh vực hoạt động bảo tàng chủ yếu là những người có quá trình tự học, tự bồi dưỡng không ngừng. “Điều này cũng sẽ khiến ta dễ chia sẻ hơn với những thiếu hụt, bất cập, kể cả sự non yếu về lý thuyết và thực hành, của không ít người đang hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Phạm Định Phong nói.
Phương Hà